Bà Rịa – Vũng Tàu: Dự kiến thành lập huyện Long Đất sau sáp nhập huyện Long Điền và Đất Đỏ
(Xây dựng) – Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025, có 2 huyện và 9 xã, phường của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc diện phải sáp nhập. Trong đó, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Long Điền vào huyện Đất Đỏ để thành lập huyện Long Đất.
Thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu |
Cụ thể, sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Long Điền (có diện tích tự nhiên là 77,67km2, đạt 17,26% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 155.438 người, đạt 129,53% so với tiêu chuẩn) vào huyện Đất Đỏ (có diện tích tự nhiên là 189,74km2, đạt 42,17% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 86.063 người, đạt 71,72% so với tiêu chuẩn).
Sẽ thành lập huyện Long Đất trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ. Sau khi sắp xếp, sáp nhập thì huyện Long Đất có diện tích tự nhiên 267,42km2 (đạt 59,43% so với tiêu chuẩn); Quy mô dân sốs 241.501 người (đạt 201,25% so với tiêu chuẩn); Số dân là người dân tộc thiểu số là 2.150 người; chiếm tỷ lệ 0,89%. Số ĐVHC trực thuộc gồm 11 ĐVHC cấp xã trực thuộc, bao gồm 7 xã và 44 thị trấn. Nơi đặt trụ sở làm việc của ĐVHC là tại trụ sở của huyện Đất Đỏ hiện hữu.
Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Long Đất là tên gọi của ĐVHC có từ tháng 5/1951 khi đó tỉnh Bà Rịa – Chợ Lớn được thành lập (gọi tắt là tỉnh Bà Chợ); được hình thành trên cơ sở sáp nhập hai huyện Long Điền và Đất Đỏ thành huyện Long Điền – Đất Đỏ (gọi tắt là Long Đất).
Qua nhiều lần chia tách, sáp nhập 2 huyện trong lịch sử trước đây, đến ngày 09/12/2003 Chính phủ ban hành Nghị định số 152/2003/NĐ-CP tách huyện Long Đất thành huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ. Vì vậy, huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ có chung các yếu tố đặc thù về truyền thống, lịch sử hình thành, kết cấu cộng đồng dân cư và phong tục tập quán của địa phương. Việc sáp nhập 2 huyện nhằm thực hiện các chủ trương của Trung ương về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, trong đó, huyện Long Điền có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200%, thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 – 2025; huyện Đất Đỏ có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100%, thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2026 – 2030.
Việc sắp xếp, sáp nhập huyện Long Điền vào huyện Đất Đỏ để thành lập huyện Long Đất nhằm tiếp nối truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời của vùng đất này, đảm bảo quy mô diện tích tự nhiên phù hợp với năng lực quản lý của chính quyền địa phương; đảm bảo điều kiện tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, các thế mạnh kinh tế, đảm bảo phát triển hài hòa và bền vững;
Huyện Đất Đỏ sẽ sáp nhập với huyện Long Điền để thành lập huyện Long Đất |
Đối với đơn vị hành chính cấp xã, các xã: An Nhứt, An Ngãi, Tam Phước sáp nhập lấy tên là xã Tam An. Sáp nhập xã Lộc An và xã Phước Hội thành xã Phước Hội. Sáp nhập xã Long Mỹ vào thị trấn Phước Hải, thành lập thị trấn Phước Hải. Phường Phước Hiệp và phường Phước Trung sau sáp nhập lấy tên là phường Phước Trung.
Sau sáp nhập, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 7 đơn vị hành chính cấp huyện (giảm 1 đơn vị) và 77 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 5 đơn vị).
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri, người dân ở huyện, xã thuộc diện phải sáp nhập. Theo đó, thời gian lấy ý kiến, từ ngày 25/4 đến ngày 4/5/2024. Cử tri, người dân sinh sống tại các địa phương nói trên sẽ được phát phiếu lấy ý kiến về việc có đồng ý hay không đồng ý hoặc có ý kiến khác về tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới. Sau đó, HĐND hai cấp tập hợp và thông qua tên gọi mới với thời gian trước ngày 10 và 15/5/2024.
Cũng theo UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 nhằm thực hiện các chủ trương của Trung ương, của tỉnh; đảm bảo quy mô diện tích tự nhiên phù hợp với năng lực quản lý của chính quyền địa phương; đảm bảo điều kiện tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, các thế mạnh kinh tế, đảm bảo phát triển hài hòa và bền vững; góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế – xã hội, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị; tạo lập cơ sở pháp lý cho các công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và nông thôn, gắn kết chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng.
Lãnh đạo địa phương này khẳng định, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 là cần thiết, đảm bảo phù hợp với các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, tập quán, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên giữa các ĐVHC có liên quan; đảm bảo tuân thủ Hiến pháp, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đúng theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Chính phủ; phù hợp với các định hướng quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc sắp xếp ĐVHC tuy bước đầu có làm xáo trộn cuộc sống của người dân nhưng với truyền thống đoàn kết dân tộc, lịch sử, văn hóa của địa phương nên đời sống của người dân sẽ sớm ổn định và tiếp tục phát triển bền vững trong thời kỳ mới.
Nguồn: Báo xây dựng