Bà nội trợ tăng thu nhập mùa dịch nhờ hàng tự làm, bán online

Bà nội trợ tăng thu nhập mùa dịch nhờ hàng tự làm, bán online

Dịch Covid -19 khiến nhiều người rơi vào tình trạng thu nhập bấp bênh, thậm chí mất việc. Tuy nhiên, với một số bà nội trợ điều đó không làm khó được họ về nguồn thu nhập nhờ sáng kiến bán hàng online.

Gần 5 tháng nay, cơ sở dạy múa cho trẻ nhỏ của chị Vân Lê (SN 1989) ở quận Bình Thạnh tạm thời đóng cửa, chị phải nghỉ dịch ở nhà. Sau hơn một tháng quanh quẩn trong nhà quá buồn chán, chị nghĩ ra ý tưởng kinh doanh online.

Nắm bắt được khu vực sinh sống có nhiều chung cư, số lượng cư dân đông đúc nên chị bắt đầu với ý tưởng kinh doanh online để bản thân vừa đỡ buồn chán vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình trong mùa dịch.

Từ cuối tháng 7, chị đăng bài, hình ảnh các loại rau củ quả phục vụ nhu cầu thiết yếu trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo cá nhân. Việc khởi nghiệp online khó khăn hơn với những người mới tập tành như chị Lê, bởi thế chị đã chịu khó học hỏi bí quyết từ nhiều người bán hàng online khác. Ban đầu khách hàng là cư dân chung cư chỗ chị ở và sau đó nhờ nguồn hàng hóa phong phú và tươi ngon nên được nhiều người ở các chung cư lân cận tìm đến.

Chị cho biết, chị không nhập hàng hóa nhiều cùng một lúc mà khảo sát, nắm bắt nhu cầu của khách hàng qua mạng xã hội sau đó mới lập danh sách, lên đơn hàng. Hiện, mỗi ngày chị nhận được từ 40 đến 60 đơn hàng, đặc biệt có hôm nhận được 100 đơn từ 3 khu chung cư lân cận.

“Nhằm hạn chế tiếp xúc, góp phần phòng, chống dịch Covid-19, tôi lên đơn hàng rồi gửi đơn về vựa ở dưới quê, chủ vựa sẽ đóng gói và xe tải sẽ ship tới cổng chung cư, theo số điện thoại khách hàng cung cấp, tới cổng nhà xe sẽ gọi điện thoại mời khách xuống cổng nhận hàng. Mặc dù chi phí vận chuyển cao hơn bình thường nhưng khách hàng vẫn chấp nhận vì hàng hóa tươi ngon vẫn là quan trọng nhất”, chị Lê chia sẻ.

Vốn là một người năng động bởi hơn 10 năm kinh doanh mặt hàng quần áo trẻ con, nhưng hàng của chị phải đóng cửa bởi là thứ không thiết yếu, chị Hoàng Ánh Tuyết (Quận Gò Vấp) đã “tay ngang” sang bán thực phẩm. Nắm bắt được tâm lý khách hàng thèm những món lạ, món ăn sáng hoặc những món chế biến cầu kỳ ở nhà thường ít khi nấu, chị Tuyết mạnh dạn đầu tư thêm dụng cụ nhà bếp để “mở cửa hàng” online. Mặt hàng chị bán là những thực phẩm chín do chính tay chị chế biến như chả giò, chả cốm, bánh cuốn, bún, phở…

noi1

Hàng ngày chị Tuyết gói hàng trăm cuốn chả giò nhưng bán hết sạch.

“Vì nghỉ ở nhà do dịch Covid, các thành viên trong gia đình rảnh rang, tôi tận dụng “biến” thành những lao động bất đắc dĩ. Chính vì vậy, ngày nào cũng có hàng để bán, ngày ít thì 10, 20 đơn, ngày nhiều có 50, 60 đơn. Mỗi ngày, tôi thường chế biến một món, tuần 7 ngày thì tôi đăng tải 7 -10 món khác nhau để khách đổi vị. Vì vậy các mặt hàng tôi đăng tải dễ dàng bán hết trong buổi sáng”.

Theo chị Tuyết, nhu cầu thì nhiều nhưng khả năng phục vụ có hạn, công việc ship hàng khá vất vả và nhất là lo lắng nguy cơ lây dịch bệnh cho gia đình, nên chị tập trung vào chất lượng hơn là mở rộng số lượng.

Biết nắm bắt xu thế, dù thời điểm dịch bệnh song doanh thu của chị vẫn đều tay, thậm chí có vẻ “ăn nên làm ra” hơn kinh doanh thời trang.

noi12

Bánh của chị Hân khá ngon nên khách hàng ủng hộ nhiệt tình

Chị Đỗ Thị Hân (TP.Biên Hòa – Đồng Nai) là một giáo viên nhưng tranh thủ kinh doanh một tiệm bánh trên mạng xã hội. Không mất chi phí thuê mặt bằng, chị tận dụng khoảng không gian của gia đình để chứa nguyên liệu và sản phẩm. Nhờ chung cư chỗ chị ở có đến hàng ngàn hộ cư dân nên các loại bánh mì chị bán khá đắt khách. Cũng bởi ship hàng tận nơi và chị áp dụng nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn, mẫu mã bắt mắt, bao bì đóng gói hợp vệ sinh nên nhiều hàng xóm trở thành khách hàng ruột.

“Để thu hút khách, tôi chọn khung giờ mà nhiều người vào mạng, đăng bài kèm ảnh sắc nét có mô tả chi tiết, rõ ràng. Không những vậy, việc tương tác cũng cần phải nhanh chóng, tư vấn chu đáo, tỉ mỉ và lịch sự tạo thiện cảm với khách hàng. Khách này giới thiệu khách khác, có như vậy mới thành công. Dịch bệnh nhưng gia đình tôi có vẻ làm ăn khấm khá”, chị Hân tươi cười chia sẻ.

noi123

Đa dạng loại bánh ngon, đắt khách, nên gia đình chị Hân cải thiện được thu nhập trong đại dịch.

Chị Hân cho biết, khi hết dịch chị vẫn tranh thủ thời gian ngày nghỉ để duy trì hình thức kinh doanh này. Bởi không chỉ tăng thu nhập cho gia đình để cải thiện cuộc sống, mà kinh doanh khiến bản thân chị năng động, tự tin hơn.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến thói quen mua sắm, bởi hầu hết người tiêu dùng đều tránh xa đám đông, hạn chế đến siêu thị, trung tâm mua sắm, các dịch vụ trực tuyến theo đó ngày càng phát triển và thu hút khách hàng mới.

Theo chị Lê Thị Bích, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh chia sẻ, khởi sự kinh doanh với người mới bắt đầu không hề dễ dàng dù thực hiện theo phương thức truyền thống hay trực tuyến. Kinh doanh trực tuyến giúp loại trừ một số chi phí như thuê văn phòng, cửa hàng hay rủi ro khi tích trữ kho hàng. Trong khi đó, kinh doanh trực tuyến có lợi thế khi không bị giới hạn bởi vị trí địa lý; tiếp cận mọi khách hàng có sử dụng Internet. Để có được kết quả, các bà nội trợ cần áp dụng công nghệ hiện đại, biết tận dụng các gian hàng thương mại và các nền tảng mạng xã hội.

“Thêm vào đó, bà nội trợ lưu ý cần hình thành tư duy sắp xếp công việc khoa học, biết áp dụng các phần mềm hiện đại để giảm thời gian giao dịch, bố trí ngành hàng. Tổ chức liên kết với mạng lưới vận chuyển, sử dụng tài khoản ngân hàng để chuyển và nhận tiền online thay vì giao dịch trực tiếp, hạn chế thời gian tiếp xúc, góp phần phòng, chống dịch Covid-19”, chị Bích góp ý.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Bạn cũng có thể thích