Ba luật thuế quan trọng sẽ được sửa đổi bổ sung trong năm 2024

“Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong năm 2023, trong việc hỗ trợ cho người nộp thuế. Chính sách thuế cũng như quản lý thuế đã có những bước phát triển hiệu quả và mang tính chủ động trong triển khai thực hiện. Các cải cách thuế đã phù hợp với thông lệ thuế quốc tế và xu hướng kinh doanh hiện nay”, ông Thomas McClelland khẳng định.

1
Ba luật thuế quan trọng sẽ được sửa đổi bổ sung trong năm 2024. Ảnh internet.

Từ góc nhìn của EuroCham, để hỗ trợ tốt hơn trong môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, theo Tiểu ban này, Chính phủ Việt Nam cần tận dụng cơ hội mà Trụ cột 2 mang lại để tiến hành đánh giá toàn diện các ưu đãi thuế hiện hành. Điều này bao gồm nghiên cứu kỹ ảnh hưởng của thuế suất tối thiểu toàn cầu đến lợi ích của các nhà đầu tư hiện tại và tương lai. Đồng thời, xem xét những giải pháp thiết thực và hiệu quả để đảm bảo khuyến khích đầu tư vào đúng những dự án trọng điểm và cần khuyến khích, để việc áp dụng Trụ cột 2 không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và vẫn đảm bảo đáp ứng quy định và cam kết của Việt Nam trong Trụ cột 2.

Ví dụ, nếu áp dụng các biện pháp khuyến khích dựa trên chi tiêu thay vì dựa trên thu nhập thì doanh nghiệp sẽ ít chịu ảnh hưởng từ Trụ cột 2 hơn. Qua đó, có thể khuyến khích đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực và địa bàn trọng điểm mà vẫn tuân thủ cam kết. Ưu đãi dựa trên chi tiêu có thể theo thông lệ quốc tế bao gồm: Khấu hao nhanh máy móc, thiết bị của dự án đầu tư và khấu trừ gấp đôi chi phí nhân công hoặc chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) đối với dự án được khuyến khích đầu tư. Những ưu đãi dựa trên chi tiêu như vậy có thể làm tăng khả năng tạo ra đầu tư bổ sung vì chúng nhắm trực tiếp vào chi phí đầu tư.

Ngoài việc khuyến khích đầu tư vào R&D, các khuyến khích đổi mới và công nghệ cao có thể được nhắm tới để hỗ trợ các mục tiêu chính sách như thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Ngoài ra, doanh thu thuế tạo ra từ thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (QDMTT) có thể được chi cho các lĩnh vực để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tổng thể như cơ sở hạ tầng và phát triển kỹ năng của lực lượng lao động.

2
Ba luật thuế quan trọng sẽ được sửa đổi bổ sung trong năm 2024. Ảnh internet.

Trụ cột 2 tạo cơ hội rất tốt để Việt Nam xem xét cải cách ưu đãi thuế và việc này cần được thực hiện càng sớm càng tốt để không làm mất nguồn thu thuế hoặc đầu tư nước ngoài, vì các nước khác sẽ áp dụng thuế bổ sung từ năm 2024 và cũng đang xem xét sửa đổi chế độ ưu đãi thuế của họ để đáp ứng…

Thông tin tới các doanh nghiệp EuroCham, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí, lệ phí, Bộ Tài chính cho biết, trong 02 năm vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát tổng thể 9 luật thuế để xác định các vấn đề bất cập, những nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung để báo cáo Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở đó, xác định lộ trình sửa đổi các luật thuế đó trong giai đoạn tới đây.

Mục tiêu sửa đổi hướng đến 03 vấn đề: Một là kịp thời thể chế hóa các quan điểm chủ trương liên quan đến cải cách thuế đã được xác định trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Trong đó, có các vấn đề như thúc đẩy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Hai là khắc phục những bất cập, những vướng mắc về thực tiễn thực hiện các chính sách thuế trong giai đoạn vừa qua.

Chính phủ đã xác định đây là cơ hội tốt để Việt Nam rà soát lại các quy định bất cập để xác định được các phương án sửa đổi phù hợp. Ba là sửa đổi để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống chính sách thuế, đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, ví dụ như việc thực thi Trụ cột 2 của thuế tối thiểu toàn cầu.

3
Ba luật thuế quan trọng sẽ được sửa đổi bổ sung trong năm 2024. Ảnh internet.

“Trên cơ sở rà soát, chúng tôi đã xây dựng lộ trình sửa đổi cụ thể từng luật thuế. Trong năm 2024 và sang năm, chúng tôi sẽ tập trung để báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội sửa đổi 03 luật thuế quan trọng là Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT), Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN); từ đó, sẽ xác định lộ trình sửa đổi các luật thuế tiếp theo”, ông Trương Bá Tuấn chia sẻ.

Về các kiến nghị của EuroCham liên quan đến việc hoàn thiện các chính sách thuế để thích ứng với tác động của Trụ cột 2 thuế tối thiểu toàn cầu, ông Trương Bá Tuấn cho biết, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2023/NQ-QH15 về việc áp dụng thuế QDMTT theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế của OECD, có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Đồng thời, tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 về giảm 2% thuế giá trị gia tăng 06 tháng đầu năm 2024 Quốc hội đã giao cho Chính phủ xây dựng một nghị định về việc quản lý, sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu được từ việc thu thuế QDMTT. Cùng với đó là yêu cầu rà soát lại tổng thể các chính sách về hỗ trợ đầu tư, trong đó có chính sách thuế.

“Đối với chính sách thuế, hiện nay chúng tôi đang xây dựng đề nghị sửa đổi Luật thuế TNDN để có thể góp phần thực hiện 03 mục tiêu như trên”, ông Trương Bá Tuấn thông tin.

Theo Thương Hiệu Và Công Luận

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích