Ba Đình (Hà Nội): Người dân kêu cứu vì nhà ở bị phá dỡ trái pháp luật
(Xây dựng) – Trước sự việc bỗng dưng ngôi nhà cấp bốn, tại địa chỉ số 7 ngõ 294/4 Kim Mã (phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) bị phá dỡ, hủy hoại, mất công năng sử dụng, chủ sở hữu là bà Nguyễn Kiều Giang đã gửi nhiều đơn kiến nghị, kêu cứu đến các cấp chính quyền và đơn vị có liên quan. Tuy nhiên đã gần 2 tháng xảy ra sự việc, những nội dung kiến nghị của bà Giang vẫn chưa được giải quyết thấu tình đạt lý.
Hiện trạng nhà số 7 đã bị phá dỡ và mất công năng sử dụng. |
Trong đơn kêu cứu gửi đến Báo Xây dựng, bà Nguyễn Kiều Giang phản ánh: “Ngày 13/5/2021, nhà đất tại số 7 ngõ 294/4 Kim Mã của gia đình tôi bị phá dỡ. Hiện trạng tài sản nhà đất này tính đến 14h ngày 14/5/2021 đã bị phá dỡ khoảng 2/3 diện tích nhà đất. Toàn bộ gian bếp nhà tôi đã bị phá vỡ hoàn toàn, hơn 1/2 diện tích nhà ở phía trước hiện không còn công năng sử dụng (theo biên bản làm việc ngày 14/5/2021)”.
Trước đó, ngày 28/8/2018, UBND quận Ba Đình đã ban hành Quyết định số 1455/QĐ-UBND về việc thu hồi 41,8m2 đất do hộ gia đình bà Nguyễn Kiều Giang đang sử dụng, Quyết định số 1456/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với gia đình bà Giang để thực hiện Dự án Xây dựng đường Liễu Giai – Núi Trúc từ đoạn Khách sạn La Thành đến nút Núi Trúc (đợt 2). Sau đó, ngày 21/11/2019, UBND quận Ba Đình ban hành Quyết định số 2211/QĐ-UBND về việc điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với gia đình bà Giang.
Bà Giang cho biết: Từ thời điểm nhận quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường đến nay, gia đình bà và nhiều hộ trong diện giải tỏa thực hiện dự án trên vẫn chưa đồng ý nhận tiền bồi thường về đất, hỗ trợ vì mức giá đền bù không thỏa đáng theo giá thị trường, người dân chịu rất nhiều thiệt thòi, trong khi lại bắt buộc thực hiện nghĩa vụ tài chính cũng như chưa có phương án cụ thể bàn giao nhà tái định cư. Mọi việc cứ thế “án binh bất động”, cho đến ngày 13/5/2021, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP. Hà Nội tự ý đưa máy móc tiến hành phá dỡ hủy hoại nhà bà Giang.
Nhận thấy, trường hợp phá dỡ nhà đất khi chưa có quyết định cưỡng chế thu hồi đất; chưa được vận động, thuyết phục, đối thoại về việc bàn giao mặt bằng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là vi phạm quy định của pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình, bà Nguyễn Kiều Giang đã làm đơn kiến nghị UBND phường Kim Mã, UBND quận Ba Đình, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP. Hà Nội (chủ đầu tư Dự án Xây dựng đường Liễu Giai – Núi Trúc) chỉ đạo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quận Ba Đình và Tổ công tác tạm dừng việc cưỡng chế thu hồi đất, giữ nguyên hiện trạng (bao gồm hiện trạng thửa đất, các công trình và máy móc xung quanh nhà đất) của gia đình bà Giang. Đồng thời thanh tra, kiểm tra, xác minh về nguyên nhân tài sản gia đình bà bị hủy hoại có liên quan đến hành vi phá dỡ của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quận Ba Đình và Tổ công tác để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đến nay, đã gần 2 tháng trôi qua, sự việc liên quan đến việc phá dỡ ngôi nhà của bà Giang vẫn chưa được xem xét giải quyết dứt điểm. Tại buổi làm việc diễn ra ngày 24/6/2021 theo Giấy mời của UBND phường Kim Mã, với sự có mặt của đại diện của Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP. Hà Nội, những kiến nghị của gia đình bà Giang chưa được giải đáp thấu đáo. Trao đổi với phóng viên, bà Giang cho biết: Tại cuộc làm việc trên, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP. Hà Nội có thừa nhận sai sót trong việc phá dỡ ngôi nhà của bà Giang, song lại không đưa ra bất kỳ lời xin lỗi nào cũng như phương án khắc phục. “Nội dung đơn kiến nghị của gia đình đã yêu cầu rất cụ thể, gia đình yêu cầu Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP. Hà Nội phải sớm làm rõ những nội dung kiến nghị của gia đình”, bà Giang bức xúc.
Ngay sau khi nhận được đơn của gia đình bà Nguyễn Kiều Giang, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã liên hệ làm việc với chủ đầu tư Dự án này là Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP. Hà Nội. Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Mạnh Cường – Trưởng phòng Giám sát 1 xác nhận: Trong quá trình đơn vị thi công thực hiện phá dỡ nhà số 5/294 Kim Mã phục vụ công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án Xây dựng đường Liễu Giai – Núi Trúc đợt 2, có sự việc căn nhà số 7 của gia đình bà Nguyễn Kiều Giang bị nứt đổ một phần. Tuy nhiên, nhà số 7 không phải do đơn vị thi công thực hiện phá dỡ, mà do ảnh hưởng của việc sơ suất trong quá trình phá dỡ ngôi nhà số 5 gây nứt, đổ nhà bà Giang. Ngay sau khi xảy ra sự việc, Ban Quản lý đã phối hợp với phường tiến hành ghi nhận hiện trạng để mời đại diện nhà bị ảnh hưởng lên làm việc.
Đại diện Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP. Hà Nội cũng khẳng định, để xảy ra sự việc này là do trách nhiệm của đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng Hạ tầng kĩ thuật Huy Phong (Công ty Huy Phong). Ban Quản lý sẽ có trách nhiệm yêu cầu, đôn đốc Công ty Huy Phong phải có biện pháp đền bù tổn thất, thiệt hại cho gia đình bà Giang. Ban quản lý cũng đã có giấy mời gia đình bà Giang lên làm việc những phía gia đình chưa có mặt, nên sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để mời gia đình bị thiệt hại lên thống nhất biện pháp đền bù.
Khi được hỏi về những căn cứ để lựa chọn Công ty Huy Phong làm đơn vị thi công, cũng như các Quyết định phê duyệt phương án phá dỡ thuộc dự án này, phía Ban Quản lý trả lời sẽ cung cấp sau, nhưng đến nay, phóng viên vẫn chưa nhận được những tài liệu này. Cũng theo biên bản ghi nhận hiện trạng tài sản được lập vào ngày 14/5/2021 có xác nhận của các bên liên quan, thì đại diện nhà thầu thi công không có mặt tại hiện trường dù đã được thông báo.
“Ngay sau khi nhà đất tại địa chỉ số 7 ngõ 294/4 Kim Mã của gia đình tôi bị phá dỡ, hủy hoại, tôi đã liên tục gửi đơn thư tới các cơ quan chức năng để phản ánh, kêu cứu, thậm chí là tố cáo tới Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ba Đình về dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, với mong mỏi các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xác minh, xem xét, giải quyết sự việc được khách quan, đúng pháp luật. Tuy nhiên, đã gần 2 tháng trôi qua, tôi vẫn chưa nhận được bất cứ thông báo giải quyết nào từ các cơ quan chức năng về sự việc trên.
Đơn vị có liên quan tự ý quây tôn trên diện tích nhà bà Giang sau khi bị phá dỡ. |
Tôi có niềm tin vào sự công minh của pháp luật, tôi tin rằng, sớm muộn gì cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét, giải quyết vụ việc của gia đình tôi được thấu tình đạt lý và một số cá nhân, tổ chức có hành vi thực hiện phá dỡ, hủy hoại nhà đất của tôi sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” – bà Nguyễn Kiều Giang bức xúc bày tỏ.
Trước sự việc nêu trên, đề nghị UBND phường Kim Mã, UBND quận Ba Đình và Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP. Hà Nội khẩn trương vào cuộc, làm rõ trách nhiệm, xử lý dứt điểm, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bà Nguyễn Kiều Giang.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Liên quan đến việc phản ánh của người dân về trường hợp nhà đất bị phá dỡ, hủy hoại khi chưa có quyết định hợp pháp của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và công tác giải quyết đơn thư của các cơ quan chức năng, chúng tôi đã trao đổi với Luật sư Nguyễn Đức Tùng thuộc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội về tính pháp lý của vụ việc này. Luật sư Nguyễn Đức Tùng cho biết: “Trường hợp việc phá dỡ nhà đất của người dân khi chưa có Quyết định cưỡng chế thu hồi đất và người bị thu hồi đất chưa được vận động, thuyết phục, đối thoại về việc bàn giao mặt bằng là vi phạm quy định pháp luật về trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất theo quy định tại Điều 71 Luật Đất đai 2013. Trong trường hợp này, người dân có thể thực hiện quyền khiếu nại hành vi hành chính theo quy định tại Luật Khiếu nại năm 2011 hoặc có quyền khởi kiện hành vi hành chính này tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Thậm chí, nếu có dấu hiệu cố ý làm hủy hoại hoặc hư hỏng tài sản của công dân thì công dân có thể tố giác hành vi phạm tội tới Cơ quan công an có thẩm quyền theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trong trường hợp công dân phát hiện Thủ trưởng, công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý đất đai các cấp và công chức địa chính cấp xã có dấu hiệu vi phạm trình tự thực hiện thu hồi đất và công dân đã gửi Đơn kiến nghị tới chính quyền địa phương, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc thủ trưởng cơ quan quản lý đất đai có trách nhiệm xem xét, giải quyết và thông báo cho người có kiến nghị biết trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị theo quy định tại Điều 209 Luật Đất đai năm 2013”. |
Nguồn: Báo xây dựng