Ba cách biến đổi khí hậu tác động đến hệ thống tài chính
Ba cách biến đổi khí hậu tác động đến hệ thống tài chính
Trong những năm gần đây, các cơ quan quản lý đã bắt đầu cảnh báo về mối đe dọa mà biến đổi khí hậu gây ra đối với sự ổn định của hệ thống tài chính.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đang chuẩn bị xây dựng một “kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu”. Mark Carney, cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, đã cảnh báo về rủi ro tài chính từ biến đổi khí hậu từ năm 2015. Tại Mỹ, Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) năm ngoái đã công bố một báo cáo dài 200 trang về việc “Biến đổi khí hậu gây ra rủi ro lớn cho sự ổn định của hệ thống tài chính của chúng ta”. Và cũng ở Mỹ, các chính trị gia đảng Dân chủ đang kêu gọi Tổng thống Joe Biden không tái bổ nhiệm Jerome Powell làm chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, vì họ cho rằng Powell đã không chú trọng đến rủi ro khí hậu với tình hình tài chính.
Tuy nhiên, rủi ro khí hậu sẽ gây tác hại đến mức nào đến hệ thống tài chính? Các ngân hàng trung ương cũng như của các công ty tư nhân đang bắt đầu làm sáng tỏ vấn đề này.
Ba rủi ro lớn nhất
Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến hệ thống tài chính theo ba cách.
Đầu tiên là thông qua “rủi ro chuyển đổi” từ hệ thống năng lượng phát thải khí nhà kính sang năng lượng sạch. Rủi ro này đặc biệt dễ trở thành hiện thực nếu các chính phủ theo đuổi các chính sách khí hậu quyết liệt hơn. Khi đó, nền kinh tế sẽ tái cấu trúc: vốn di chuyển khỏi các lĩnh vực “bẩn” và hướng tới các lĩnh vực “sạch” hơn. Các công ty trong các ngành công nghiệp gây ô nhiễm có thể vỡ nợ do các khoản vay hoặc trái phiếu, và giá cổ phiếu của họ có thể đi xuống.
Thứ hai, các quỹ tài chính phải chi trả bồi thường cho các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do nhiệt độ tăng. Rất khó quy các thảm họa thiên nhiên riêng lẻ cho biến đổi khí hậu, nhưng Ủy ban Ổn định Tài chính, một nhóm các nhà quản lý, ước tính rằng thiệt hại kinh tế toàn cầu do các thảm họa liên quan đến thời tiết đã tăng từ 214 tỷ USD vào những năm 1980 (theo giá năm 2019) lên 1.620 tỷ USD trong những năm 2010. Những tổn thất này thường do các công ty bảo hiểm gánh chịu (mặc dù theo thời gian, chi phí sẽ được chuyển cho khách hàng thông qua phí bảo hiểm cao hơn).
Hệ thống tài chính cũng có thể bị ảnh hưởng nếu biến đổi khí hậu gây ra các tác động rộng hơn với nền kinh tế, chẳng hạn như gây ra thay đổi về giá tài sản. Kênh thứ ba này khó định lượng hơn. Theo Network for Greening the Financial System, một nhóm theo dõi tình hình tài chính, ước tính nếu nhiệt độ ấm lên 3°C (so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp) sẽ dẫn đến thiệt hại tài chính khoảng 2% đến 25% GDP thế giới. Tình hình có thể nghiêm trọng hơn nhiều nếu biến đổi khí hậu gây ra xung đột hoặc di cư hàng loạt.
Đánh giá rủi ro thực tế
Các tài sản tài chính đang chịu “rủi ro chuyển đổi” có giá trị rất lớn. Theo Carbon Tracker, một tổ chức tư vấn về khí hậu, khoảng 18.000 tỷ USD cổ phiếu toàn cầu, 8.000 tỷ USD trái phiếu và khoảng 30.000 tỷ USD nợ chưa niêm yết có liên quan đến các lĩnh vực phát thải cao của nền kinh tế. Tuy nhiên, tác động của tổn thất sẽ phụ thuộc vào việc ai là người sở hữu tài sản. Ví dụ, các cơ quan quản lý có thể đặc biệt lo ngại về tình trạng “rủi ro chuyển đổi” của các ngân hàng và công ty bảo hiểm lớn, quan trọng trong hệ thống tài chính của họ.
Các cuộc điều tra sơ bộ do các ngân hàng trung ương thực hiện cho thấy có thể kiểm soát tác động của biến đổi khí hậu đối với các tổ chức này. Vào tháng Tư, Ngân hàng Trung ương Pháp (BDF) đã công bố kết quả từ một cuộc điều tra như vậy, cho thấy các ngân hàng Pháp có rủi ro chuyển đổi thấp. Tuy nhiên ở nước này, các yêu cầu đòi bồi thường đối với các công ty bảo hiểm đã tăng lên, gấp hơn 5 lần ở một số vùng, do hạn hán và lũ lụt ngày càng nghiêm trọng hơn.
Trong một báo cáo gần đây, ECB và Ủy ban Rủi ro Hệ thống Châu Âu phát hiện kết quả tương tự. Các ngân hàng và công ty bảo hiểm khu vực đồng euro không gặp quá nhiều rủi ro chuyển đổi do hạn chế đầu tư nhiều trong các lĩnh vực phát thải cao nhất, nhưng vẫn sẽ chịu tổn thất lớn do các khoản bồi thường hoặc các tác động rộng hơn với nền kinh tế trong kịch bản nhiệt độ tăng 3,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, theo báo cáo, các ngân hàng và công ty bảo hiểm khu vực này được cho là đủ vốn để vượt qua.
Những phát hiện này phù hợp với một cuộc điều tra của Ngân hàng Trung ương Hà Lan (DNB) vào năm 2018, cho rằng tác động đối với các công ty tài chính Hà Lan từ rủi ro chuyển đổi là “có thể kiểm soát được”. Trong kịch bản nghiêm trọng nhất mà DNB đưa ra, chính sách khí hậu thay đổi đột ngột cùng với tiến bộ nhanh chóng trong phát triển năng lượng tái tạo, gây ra “cú sốc kép” cho các công ty và kéo theo suy thoái nghiêm trọng.
Ngoài ra, các ngân hàng và công ty bảo hiểm sẽ cần thay đổi mô hình kinh doanh của họ đểhạn chế tác động của biến đổi khi hậu đến hệ thống tài chính. BDF đã đánh giá một kịch bản thứ hai, trong đó các tổ chức cho vay và bảo hiểm được phép thay đổi mô hình kinh doanh của họ trong 30 năm tới, và không có gì ngạc nhiên khi các ngân hàng giảm mạnh cho vay đối với lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch và các công ty bảo hiểm tăng phí bảo hiểm.
Nhìn chung, các tổ chức tín dụng cần có thời gian để thích ứng, do đó chính sách đường dài của chính phủ trở nên quan trọng. Các đánh giá cho thấy tổn thất tín dụng lên đến mức cao nhất khi các chính sách khí hậu có sự chuyển đổi đột ngột. Kịch bản biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính là khi các chính phủ không bắt tay vào thực hiện các chính sách khí hậu từ bây giờ, và sau đó không có lựa chọn nào khác ngoài hành động quyết liệt và đột ngột trong tương lai. Do đó, các chính phủ cần đặt ra một lộ trình rõ ràng để giảm lượng khí thải, chẳng hạn như thông qua thuế carbon và các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng, để các ngân hàng đủ thời gian để thay đổi các khoản đầu tư và cho vay của họ.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị