Australia: Sản xuất cốc có thể ăn được thay thế cho cốc dùng một lần
Australia: Sản xuất cốc có thể ăn được thay thế cho cốc dùng một lần
Công ty khởi nghiệp (start-up) của Australia Good-Edi mới đây đã đưa ra thị trường một loại cốc có thể ăn được nhằm thay thế cho những chiếc cốc giấy tráng PE truyền thống vốn được sử dụng phổ biến ở các quán cà phê.
Sản phẩm mới này có thể tự phân hủy và được kỳ vọng sẽ giúp cắt giảm công đoạn xử lý rác thải, như chôn lấp hay đốt cháy, đối với các loại cốc dùng một lần.
Công ty Good-Edi đã huy động được 148.000 AUD (khoảng 96.108 USD) thông qua một trang huy động vốn từ cộng đồng vào năm 2021 và đội ngũ nhân viên của họ – được gọi là “nhóm làm bánh” – đang sản xuất 500 chiếc cốc mỗi ngày cho các khách hàng trên khắp Australia, trong đó có các cửa hàng càphê, đồ uống và các địa điểm tổ chức hòa nhạc ở vùng ngoại ô thành phố Melbourne. Công ty đang đặt mục tiêu gia tăng sản lượng và mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế trong năm 2023.
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ước tính thế giới sử dụng hơn 250 tỷ cốc giấy tráng nhựa mỗi năm và chỉ 1% trong số đó được tái chế. Good-Edi cho biết khoảng 2,7 triệu chiếc cốc dùng một lần được vận chuyển đến các bãi rác ở Australia mỗi ngày.
Theo Good-Edi, sản phẩm của họ dùng được cho cả đồ uống nóng, cũng như các loại đồ uống lạnh, như càphê và trà. Sau khoảng 250 lần điều chỉnh công thức chế biến, các nhà sáng lập của Good-Edi đã quyết định sử dụng hỗn hợp bột lúa mạch đen, cám lúa mỳ, cám yến mạch, đường, muối, dầu dừa và nước.
Họ cho rằng chiếc cốc vẫn đủ cứng để có thể chứa được một tách càphê nóng trong khoảng 40 phút và sẽ không bị rò rỉ đồ uống nguội trong khoảng 8 giờ.
Bà Catherine Hutchins, người đồng sáng lập Good-Edi, chia sẻ: “Không có bất kỳ sách hướng dẫn làm một chiếc cốc ăn được, vì vậy đây là một thách thức lớn. Trong giai đoạn thử nghiệm, chúng tôi đã sản xuất ra rất nhiều chiếc cốc bị rò rỉ.”
Tuy nhiên, một vài người đã dùng thử cốc của Good-Edi và cho rằng chúng có vị giống như bánh quy lúa mỳ không đường. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu những người uống càphê có muốn ăn một chiếc cốc nếu như họ không coi đây là một món ăn hay không?
Bà Hutchins cho rằng mặc dù một số người thích cốc ngọt hơn, nhưng điều này phụ thuộc vào khẩu vị của mỗi cá nhân. Bà lý giải họ cố tình không làm cho những sản phẩm này có vị ngọt để tránh làm ảnh hưởng đến hương vị của càphê. Good-Edi cho biết cũng sẽ cung cấp các loại cốc phủ chocolate và có kế hoạch sớm tung ra nhiều lựa chọn hơn với nhiều hương vị khác nhau.
Good-Edi cho rằng mục đích chính của công ty là giúp đảm bảo tính bền vững, tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn so với các loại cốc giấy tráng nhựa, ngay cả khi khách hàng của họ không ăn những chiếc cốc mới này.
Công ty trên cho biết các sản phẩm của họ có thể tự phân hủy sau 2-6 tuần. Theo phân tích của Good-Edi, với nguyên vật liệu từ trong nước, việc sản xuất ra mỗi chiếc cốc này chỉ sinh ra 80 gram CO2 trong suốt vòng đời của nó, thấp hơn 27% so với 110 gram CO2 sản sinh ra trong quá trình sản xuất một chiếc cốc giấy vốn được nhập khẩu từ nước ngoài.
Good-Edi không phải là công ty khởi nghiệp duy nhất sản xuất cốc ăn được. Một công ty khởi nghiệp ở Latvia cũng đang cung cấp các loại cốc có hương vị khác nhau có thể ăn được, cũng như những chiếc thìa làm từ sợi yến mạch, vỏ ca cao và ống hút làm từ mỳ ống. Trong khi đó, công ty Cupffee có trụ sở tại Bulgaria đã sản xuất hàng loạt cốc ăn được để đựng cà phê hoặc trà vào năm 2018.
Theo ông Ismail Sutaria, chuyên gia tại công ty tư vấn thị trường Future Market Insights, việc sử dụng cốc giấy đựng đồ uống nóng có lót nhựa sẽ tăng hơn 9% trong ba năm tới. Đến năm 2025, mức tiêu thụ sẽ đạt 166 tỷ chiếc/năm.
Ông Sutaria cho rằng tính thiết thực, khả năng mở rộng quy mô, hiệu quả về chi phí và sự chấp nhận của người tiêu dùng là những yếu tố quan trọng để đánh giá đây là một giải pháp mang tính bền vững.
Thiên Bảo (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị