Australia nỗ lực giải cứu cá voi mắc cạn

Australia nỗ lực giải cứu cá voi mắc cạn

Các nhà chức trách Australia đang nỗ lực tìm mọi cách để giải cứu những con cá voi hoa tiêu vây dài bị mắc cạn ở vùng nước nông ngoài khơi bờ biển Cheynes của nước này.

Vừa qua, một đàn gồm gần 100 con cá voi hoa tiêu vây dài đã được phát hiện ở vùng nước nông ngoài khơi bờ biển Cheynes, cách thành phố Perth của Australia khoảng 400 km về phía Đông Nam. Hơn 50 con cá voi hoa tiêu đã chết sau khi mắc cạn tại bãi biển ở Tây Australia này. Tuy nhiên, ngày 26/7, các nhà chức trách Australia lạc quan cho rằng 45 con cá voi khác trong đàn có thể sống sót.

Cũng trong chiều ngày 26/7, nhân viên kiểm soát sự cố Peter Hartley cho biết những con cá voi sống sót đang được theo dõi và sau khi được đánh giá là đủ khỏe, chúng sẽ được thả ra. Các tình nguyện viên chèo thuyền kayak sẽ giúp đưa chúng qua cách mỏm đá ở bờ biển để ra vùng nước sâu hơn.

tm-img-alt
Lực lượng cứu hộ giải cứu cá voi hoa tiêu mắc cạn trên bãi biển ở bang Tasmania, Australia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Việc cá voi hoa tiêu mắc cạn hàng loạt không phải là hiếm gặp ở Australia và New Zealand. Tháng 10 năm ngoái, khoảng 500 con cá voi hoa tiêu đã chết khi bị mắc cạn tại Quần đảo Chatham xa xôi ở New Zealand. Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác vì sao lại xảy ra hiện tượng cá voi hoa tiêu mắc cạn hàng loạt. Tuy nhiên, họ cho rằng cá voi hoa tiêu – có thể dài tới hơn 6 m – rất hòa đồng, vì vậy, khi một cá thể cá voi bị ốm hoặc gặp rắc rối, những con còn lại trong đàn vẫn sẽ đi theo sau chúng.

Bà Bec Wellard, một nhà khoa học về động vật biển có vú tại Dự án Orca, cho biết đó có thể là nguyên nhân khiến chúng bị mắc cạn hàng loạt. Mặc dù vậy, bà cho rằng nếu biết được nguyên nhân chính xác, hẳn các nhà khoa học đã có thể làm nhiều hơn để ngăn chặn điều đó.

Theo chuyên gia Wellard, do cá voi có “mối liên kết gia đình bền chặt” nên điều quan trọng là phải cố gắng thả chúng về đại dương cùng nhau. Tuy nhiên, bà nói thêm rằng nếu sức khỏe của những con cá voi còn sống vẫn khá yếu ớt, cần phải đánh giá xem liệu những nỗ lực giúp chúng trở về đại dương có khiến chúng bị tổn thương hơn hay không.

Đại Phong (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích