Australia: Khí hậu ấm lên đẩy loài thú ăn mối có túi đến bờ vực tuyệt chủng

Australia: Khí hậu ấm lên đẩy loài thú ăn mối có túi đến bờ vực tuyệt chủng

Các nhà khoa học Australia phát hiện ra rằng khí hậu ấm lên đang đóng lại tương lai sinh tồn của những con Numbat – một loài thú ăn mối có túi độc đáo sinh sống ở khu vực phía Tây nước này.

tm-img-alt
Numbat – loài thú ăn mối có túi đang bị đe dọa bởi tình trạng Trái đất ấm lên. (Ảnh: Tạp chí Sinh học Thực nghiệm Australia)

Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Sinh học Thực nghiệm số ra gần đây, các nhà khoa học tại Đại học Curtin (Australia) đã sử dụng camera hồng ngoại để phân tích hình ảnh của những con Numbat – một loài thú ăn mối có túi ở bang Tây Australia và phát hiện ra rằng loài động vật này gặp vấn đề lớn khi môi trường sống bị ảnh hưởng bởi tình trạng Trái đất ấm lên.

Australia sở hữu những môi trường thiên nhiên đặc biệt và đa dạng nhất thế giới với các loài động vật hoang dã độc đáo. Tuy nhiên, tình trạng nóng lên toàn cầu đang gây ra thảm họa sinh tồn cho các loài thú có túi, trong đó có Numbat, loài vật đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.

Loài thú ăn mối có túi này có chiều dài cơ thể từ 35-45cm, trọng lượng khoảng từ 280-700g. Vẻ ngoài của chúng nhìn giống như lai giữa sóc chuột và thú ăn kiến, với cái đuôi khá dài và bộ lông có những sọc sáng màu vắt ngang cơ thể.

Bộ lông của Numbat có chức năng cân bằng nhiệt cho cơ thể. Khi trời lạnh, chúng giữ ấm bằng cách dựng lông lên để cách nhiệt tốt hơn và cho phép nhiều bức xạ xuyên qua hơn.

Khi trời nóng, chúng xẹp lông xuống để “giải nhiệt” và che chắn da khỏi bức xạ Mặt Trời. Bằng cách này, cơ thể chúng hoạt động như một “cửa sổ nhiệt” cho phép trao đổi nhiệt. Các sọc màu trên lông của Numbat không có vai trò cân bằng nhiệt mà chỉ có chức năng ngụy trang.

Numbat dễ thương, hiền lành, thức ăn chính của chúng chủ yếu là mối. Một con Numbat trưởng thành phải ăn khoảng 20.000 con mối mỗi ngày, vì thế chúng dành phần lớn thời gian vào ban ngày để tìm kiếm mối.

tm-img-alt
Những con Numbat non ở Dryandra Woodlands, Tây Australia. (Ảnh: WWF)

Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sỹ Christine Cooper tại Trường Khoa học Đời sống và Phân tử thuộc Đại học Curtin, cho biết: “Numbat chủ yếu hoạt động vào ban ngày với loại thức ăn duy nhất là mối. Do vậy, chúng thường xuyên tiếp xúc với ánh Mặt Trời và ánh nắng trực tiếp sẽ khiến nhiệt độ cơ thể Numbat tăng cao nhanh chóng.”

Tiến sỹ Cooper cùng đồng sự phát hiện ra rằng những con Numbat chỉ có thể ở dưới ánh nắng Mặt trời trong khoảng 10 phút trước khi nhiệt độ cơ thể của chúng nóng tới 40 độ C.

Mặc dù những con thú ăn mối có túi đã sử dụng “kỹ năng” làm xẹp lông để che chắn ánh nắng Mặt Trời, song cơ thể chúng vẫn bị quá nhiệt. Ngay cả khi ở trong bóng râm, chúng vẫn tiếp tục hấp thu nhiệt bởi bức xạ từ mặt đất, đá và cây cối.

Điều này đặt ra một vấn đề lớn đối với sự sống còn của loài Numbat vì mối – nguồn thức ăn duy nhất của chúng sống sâu dưới lòng đất và chỉ di chuyển lên bề mặt khi mặt đất ấm lên vào ban ngày.

Numbat được xếp vào loại động vật đặc biệt nguy cấp ở Australia. Loài vật nay từng được phát hiện ở khắp miền Nam Australia nhưng hiện nay chỉ xuất hiện ở 2 quần thể tự nhiên ở bang Tây Australia là Khu bảo tồn Dryandra Woodland gần làng Narrogin, nơi diễn ra hoạt động nghiên cứu, và khu bảo tồn Perup gần thị trấn Manjimup.

Số lượng của chúng hiện ước tính chỉ còn khoảng 2.000 cá thể, bị đe dọa mất đi môi trường sống bởi hoạt động nông nghiệp và cháy rừng cũng như trở thành mồi cho mèo hoang và động vật ăn thịt khác.

Numbat không thể kiếm ăn vào ban đêm khi nhiệt độ giảm vì thức ăn của chúng ở quá sâu dưới lòng đất để chúng tiếp cận. Chúng cũng không thể sống sót trong bóng râm vào ban ngày nếu khí hậu tiếp tục ấm lên như cảnh báo.

Nghiên cứu của các nhà khoa học nhấn mạnh sự cần thiết tìm ra giải pháp bảo tồn một trong những loài thú có túi mang tính biểu tượng của Australia trước khi chúng trở thành ví dụ đáng buồn về một loài vật bị tuyệt chủng bởi ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích