Australia: Đột phá công nghệ sản xuất điện mặt trời từ gương
Australia: Đột phá công nghệ sản xuất điện mặt trời từ gương
Các nhà nghiên cứu ở Australia đã đạt được bước tiến quan trọng trong việc phát triển công nghệ năng lượng mặt trời tập trung (CST), một tiến bộ đáng chú ý có thể mở rộng ra ứng dụng toàn cầu.
Thông tin này được công bố chính thức bởi Cơ quan khoa học Quốc gia Australia (CSIRO), khi họ cải tiến CST để tăng nhiệt độ vận hành của hệ thống lên hơn 800 độ C.
CST sử dụng tấm gương lớn hoặc thấu kính để tập trung ánh sáng mặt trời vào một điểm nhận cụ thể. Điều này giúp tạo ra nhiệt độ cao hoặc điện năng. Cải tiến của CSIRO đánh dấu một bước quan trọng khi họ đạt được nhiệt độ 803 độ C ở điểm nhận, một thành tựu có ý nghĩa lớn trong việc lưu trữ năng lượng tái tạo.
Tiến sĩ Jin-Soo Kim, trưởng nhóm công nghệ mặt trời của CSIRO cho biết: “Công nghệ mới giữ vai trò thiết yếu trong cung cấp năng lượng tái tạo chi phí thấp ở quy mô đủ để giảm carbon hóa ngành công nghiệp nặng của Australia.”
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hạt gốm có thể chịu nhiệt hơn 1.000 độ C để tối ưu hóa CST. Những hạt này không chỉ đơn giản hóa hệ thống mà còn giảm chi phí năng lượng bằng cách hấp thụ và lưu trữ nhiệt từ mặt trời. Điều này đánh dấu một cải tiến lớn so với thiết kế CST truyền thống, sử dụng chất lỏng truyền nhiệt chỉ có thể chịu được 400 – 600 độ C. Thành tựu trên có thể cung cấp cho Australia giải pháp thay thế điện mặt trời dùng pin quang điện vốn bị hạn chế ở nhiều mặt.
Hiện tại, hệ thống thử nghiệm của CSIRO ở Newcastle bao gồm 400 tấm gương. Tuy nhiên, để triển khai đầy đủ quy mô, họ có thể cần hơn 10.000 tấm gương lớn, tạo ra điện năng tương đương với nhà máy than đá 100 MW.
Như vậy, đây là một giải pháp chi phí hiệu quả, có thể hoàn vốn trong vòng 5 năm và mang lại giải pháp thay thế cho điện mặt trời từ pin quang điện.
Vĩnh Hải (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị