Auckland, New Zealand hứng chịu trận lụt tốn kém nhất lịch sử

Auckland, New Zealand hứng chịu trận lụt tốn kém nhất lịch sử

MTĐT –  Thứ ba, 31/01/2023 10:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tính đến ngày 30/1, mưa lớn dẫn đến những trận lũ quét đã khiến 4 người thiệt mạng và thiệt hại tài sản lên đến hàng triệu USD tại Auckland, thành phố lớn nhất New Zealand.

Theo Reuters, tình trạng khẩn cấp vẫn được áp dụng ở Auckland và xa hơn về phía Nam ở khu vực Waitomo. Các chuyến bay xuất phát và hạ cách tại sân bay Auckland vẫn đang bị hoãn và hủy.

Tân Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins chia sẻ với đài truyền hình TVNZ: “Đã có thiệt hại rất đáng kể trên khắp Auckland. Có những ngôi nhà hư hại nặng do lũ lụt và cả sạt lở đất”.

Hậu quả nặng nề đến mức các trường học ở Auckland – thành phố lớn nhất với 1,6 triệu dân – sẽ phải đóng cửa thêm ít nhất 1 tuần nữa.

tm-img-alt
Đường phố ngập lụt tại thành phố Auckland, New Zealand, ngày 27/1/2023. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins cho hay thiệt hại là vô cùng nặng nề đối với New Zealand nói chung và đặc biệt là Auckland, chủ yếu từ lũ lụt và lở đất trên diện rộng.

Thành phố lớn nhất New Zealand dự kiến sẽ tiếp tục hứng chịu lượng mưa lớn trong những ngày tới. Hiện tại, khoảng 350 người dân đang cần chỗ cư trú khẩn cấp, ông Hipkins cho biết thêm.

Theo Viện Nghiên cứu Quốc gia về Nước và Khí quyển (NIWA) của New Zealand, Auckland đã ghi nhận lượng mưa trung bình tháng 1 nhiều hơn 8 lần và bằng 40% lượng mưa trung bình hàng năm.

Chi phí khắc phục hậu quả dự kiến sẽ lên đến 97 triệu đô la New Zealand (63 triệu đô la Mỹ) – Theo Christian Judge, người phát ngôn của Hội đồng Bảo hiểm New Zealand.

Tập đoàn Bảo hiểm Úc tại New Zealand cho đến nay đã nhận được hơn 5.000 yêu cầu bồi thường. Trong khi đó, tập đoàn Suncorp và New Zealand’s Tower lần lượt nhận được khoảng 3.000 yêu cầu và khoảng 1.900 yêu cầu.

Chi phí xử lý thiệt hại ước tính vượt mức 63 triệu USD của trận lụt xảy ra tại Bờ Tây năm 2021. Các nhà kinh tế cho rằng, quá trình khôi phục, bao gồm việc sửa chữa hoặc xây dựng lại nhà cửa, hệ thống cơ sở hạ tầng… có thể làm tăng áp lực lạm phát ở New Zealand.

Hải Đăng (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích