ASEAN: Hành động chống rác thải nhựa đại dương
ASEAN: Hành động chống rác thải nhựa đại dương
Thế giới đang phải đối mặt với một loạt các thách thức về môi trường, trong đó có vấn đề rò rỉ chất thải nhựa trên đất liền ra biển.
Các nghiên cứu cho thấy, rác thải nhựa trong đại dương có nguồn gốc từ đất liền, bị cuốn theo những dòng chảy từ các đô thị, do tràn cống, xả rác, chất thải từ các hoạt động công nghiệp và xây dựng… Ô nhiễm nhựa trên đại dương cũng bắt nguồn từ ngành đánh bắt cá, các hoạt động hàng hải và nuôi trồng thủy sản. Các quốc gia Đông Nam Á đã được xác định là những nước đóng góp đáng kể vào việc rò rỉ chất thải nhựa trên đất liền ra biển, do đó, việc thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và khu vực Biển Đông trở nên cấp thiết, các nước cần có những nỗ lực chung trong việc chống ô nhiễm nhựa và xây dựng, thống nhất lộ trình hướng tới một tương lai bền vững. Các quốc gia có biển trong khu vực cần nỗ lực hơn nữa để giải quyết các vấn đề cấp bách, bao gồm ô nhiễm môi trường biển, rác thải nhựa đại dương nhằm hướng tới môi trường sống an toàn hơn cũng như góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học biển.
Để thực hiện mục tiêu này, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 tại Bangkok, Thái Lan, Chính phủ của 10 Quốc gia Thành viên ASEAN đã ký Tuyên bố Bangkok về Phòng chống rác biển ở khu vực châu Á, trong đó, 10 nước thành viên ASEAN cam kết “tăng cường các hành động ở cấp quốc gia cũng như các hành động mức hợp tác để ngăn chặn và giảm thiểu đáng kể rác thải đại dương”. Tuyên bố này của ASEAN sẽ vạch ra những ý tưởng có phạm vi rộng lớn nhưng sẽ tùy thuộc vào mức độ thực thi của mỗi quốc gia. Theo đó, ASEAN sẽ “tăng cường thêm các bộ luật và quy định cấp quốc gia cũng như đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế bao gồm đối thoại các chính sách liên quan và chia sẻ thông tin”.
Nhằm cung cấp chiến lược chung tập trung vào giải pháp cho vấn đề rác nhựa biển, năm 2021, ASEAN ban hành Kế hoạch Hành động chống rác thải đại dương giai đoạn 2021 – 2025. Kế hoạch với 14 hành động khu vực dựa trên 4 trụ cột gồm hỗ trợ chính sách và lập kế hoạch; nghiên cứu, đổi mới và nâng cao năng lực; nhận thức, giáo dục và tiếp cận cộng đồng và huy động sự tham gia của khu vực tư nhân. Kế hoạch Hành động thể hiện một cột mốc quan trọng đối với ASEAN, thể hiện một cam kết tập thể mới, mạnh mẽ hơn thông qua các hành động khu vực, phù hợp với các chương trình nghị sự quốc gia nhằm giải quyết thách thức môi trường nghiêm trọng.
Tại Hội nghị ASEAN về chống ô nhiễm nhựa (ACCPP): Tăng cường sự phối hợp và hành động hợp tác để chống ô nhiễm nhựa, một trong những thách thức trong việc giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa ở khu vực ASEAN được đưa ra thảo luận là sự thiếu hụt dữ liệu. Theo đó, các quốc gia cần xem xét tình trạng ô nhiễm nhựa không chỉ qua lăng kính môi trường mà còn qua các quan điểm pháp lý và kinh tế, giải quyết vấn đề trong suốt vòng đời tuần hoàn của nhựa, thay vì chỉ coi đó là vấn đề quản lý chất thải.
Là thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam đã tiên phong triển khai nhiều chương trình hành động mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa bằng việc ban hành các chính sách về thuế, tín dụng nhằm hỗ trợ áp dụng các công nghệ sạch và áp dụng công nghệ sạch, ít phế thải, tiêu hao ít nguyên liệu và năng lượng; Khuyến khích sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các sản phẩm và bao bì sản phẩm không gây hại hoặc ít gây hại đến môi trường; tái chế và sử dụng các sản phẩm tái chế…
Các cam kết quốc tế của Việt Nam đã được cụ thể hóa trong các văn bản chỉ đạo và hệ thống chính sách và pháp luật thời gian qua, điển hình như: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia “tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”; Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đã đặt ra yêu cầu “Thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương”… Ở cấp quốc gia, Bộ TN&MT chịu trách nhiệm điều phối quản lý chất thải rắn nói chung và quản lý chất thải nhựa nói riêng. Ở cấp địa phương, trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của mình, UBND tỉnh/thành phố đóng vai trò trung tâm trong việc quản lý chất thải và thực thi các quy định liên quan đến chất thải.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị