Argentina: Hàng chục con hải cẩu chết vì mắc cúm gia cầm

Argentina: Hàng chục con hải cẩu chết vì mắc cúm gia cầm

Gần đây, cơ quan thú y Argentina đã báo cáo tình trạng sư tử biển chết ở một số địa điểm dọc theo bờ biển Đại Tây Dương thuộc nước này.

Giới chức Argentina thông báo hàng chục con sư tử biển đã chết vì cúm gia cầm tại nước này, trong bối cảnh đợt bùng phát cúm gia cầm trên toàn cầu tiếp tục lây nhiễm sang các loài động vật có vú, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ dễ lây lan ở người.

Tuyên bố mới nhất từ cơ quan môi trường Patagonia nêu rõ: “50 con sư tử biển đã chết với các triệu chứng tương tự cúm gia cầm.”

Theo một quan chức địa phương, số sư tử biển chết đang ngày một tăng trong khi không có biện pháp chữa trị thú y nào cho những trường hợp này. Nhà chức trách đã yêu cầu người dân tránh các bãi biển có sư tử biển mắc bệnh.

tm-img-alt
Lực lượng chức năng lấy mẫu của một con sư tử biển chết vì cúm gia cầm trên bãi biển gần Viedma, tỉnh Rio Negro, Argentina. Ảnh: AFP

Cúm gia cầm H5N1 thường chỉ giới hạn trong các đợt bùng phát theo mùa, nhưng từ năm 2021, các ca bệnh đã xuất hiện quanh năm và trên toàn cầu, dẫn đến đợt bùng phát mà các chuyên gia cho là lớn chưa từng thấy.

Hiện chưa có thuốc đặc hiệu chữa trị cúm gia cầm, bệnh lây lan tự nhiên giữa các loài chim hoang dã và cũng có thể lây nhiễm sang gia cầm nuôi. Virus cúm gia cầm thường không lây sang người, mặc dù vẫn có một số trường hợp hiếm gặp.

Tuy nhiên, đợt bùng phát cúm gia cầm mới đã chứng kiến virus lây nhiễm sang một số loài động vật có vú như chồn và mèo nuôi trong trang trại. Đầu năm nay, Peru đã ghi nhận hàng trăm con sư tử biển bị chết trong bối cảnh virus cúm gia cầm hoành hành trong các quần thể chim trên khắp Nam Mỹ.

Tháng 7 vừa qua, WHO cảnh báo virus gây cúm gia cầm thường chỉ lây lan ở các loài họ chim, song gần đây biến thể virus H5N1 đang lây lan nhiều hơn ở các loài động vật có vú – vốn có cấu tạo sinh học gần hơn với con người. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng virus gây cúm gia cầm sẽ tăng khả năng thích nghi và có thể lây nhiễm sang người dễ dàng hơn.

Theo WHO, một số loài động vật có vú có thể đóng vai trò là vật truyền nhiễm trung gian, dẫn đến khả năng xuất hiện các biến thể virus mới gây hại cho sức khỏe động vật lẫn con người.

An Đông (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích