Áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam đối với thiết bị tiêu thụ năng lượng từ ngày 1/4/2025
Theo đó, từ ngày 1/4/2025, các sản phẩm tủ lạnh, tủ đông, tủ mát, bình đun nước nóng có dự trữ, máy điều hòa không khí không ống gió, máy thu hình, máy tính xách tay, nồi hơi trong các xí nghiệp công nghiệp thực hiện thử nghiệm và đánh giá hiệu suất năng lượng theo tiêu chuẩn mới để đăng ký công bố dán nhãn năng lượng tới Bộ Công Thương.
Các sản phẩm điện gia dụng trước đây đã áp dụng đánh giá hiệu suất năng lượng theo tiêu chuẩn mới, như: bóng đèn huỳnh quang, balat điện tử, quạt điện, nồi cơm điện, đèn led, máy giặt gia dụng, máy in, máy photocoppy… cũng tiếp tục thực hiện theo bảng đánh giá hiệu suất năng lượng mới này.
Ảnh minh hoạ.
Việc yêu cầu áp dụng thử nghiệm và đánh giá hiệu suất năng lượng theo tiêu chuẩn mới đối với thiết bị tiêu thụ điện kể trên được Bộ Công Thương triển khai là nhằm cụ thể hóa các quy định và lộ trình tại Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về ban hành Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới).
Theo Quyết định này, từ 15/7/2023 đến 1/4/2025, 15 loại máy móc thiết bị sử dụng điện gia dụng, 6 loại máy móc thiết bị văn phòng và thương mại, 4 nhóm máy móc thiết bị công nghiệp có hiệu suất năng lượng không đáp ứng được mức hiệu năng tối thiểu theo các Tiêu chuẩn quốc gia sẽ bị cấm nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh trên địa bàn cả nước.
Được biết, thời gian qua, để triển khai Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg, Bộ Công Thương đã phối hợp các cơ quan liên quan và các phòng thử nghiệm để chuẩn bị các năng lượng thiết bị, hạ tầng. Cơ quan này đã kiểm tra làm việc định kỳ với hơn 50 phòng thử nghiệm và doanh nghiệp để triển khai áp dụng các quy định mới về hiệu suất điện năng.
Đối với hàng hóa nhập khẩu, Bộ này cũng ban hành danh mục các mặt hàng thực hiện kiểm tra chuyên ngành, trong đó bao gồm danh mục hàng hóa có gắn mã hồ sơ thuộc Quyết định số 24/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các hàng hóa lưu thông trên thị trường, từ 2020 đến nay Bộ Công Thương đã áp dụng kiểm tra hiệu suất năng lượng cho các phương tiện, thiết bị dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu lưu thông trên thị trường (hậu kiểm) để thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, việc loại bỏ các thiết bị tiêu thụ điện có hiệu suất sử dụng điện thấp và triển khai rộng rãi Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg trên phạm vi cả nước sẽ đóng góp đáng kể cho hoạt động sử dụng hiệu quả năng lượng. Theo đó, đến năm 2030 bằng việc triển khai Quyết định này, cả nước sẽ tiết kiệm được số lượng điện tương đương với một nhà máy khoảng 1.000 MW mỗi năm.
Được biết, nhãn năng lượng xác nhận có hình biểu tượng tiết kiệm năng lượng (còn gọi là: Ngôi sao năng lượng Việt) được hiển thị trên các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường khi những phương tiện, thiết bị này có mức hiệu suất năng lượng bằng hoặc cao hơn mức hiệu suất năng lượng cao do Bộ Công Thương quyết định theo từng thời kỳ.
Bảo Linh