Áp dụng tiêu chuẩn trong mua sắm công: Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới
Việc áp dụng các tiêu chuẩn vào quy trình mua sắm công mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, tổ chức và môi trường. Ảnh minh họa.
Trong thế giới kết nối ngày nay, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong xây dựng thể chế và định hình nền kinh tế, xã hội, môi trường của quốc gia. Là những người tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ lớn nhất trong nền kinh tế của mình, Chính phủ có thể tác động đến động lực thị trường và đặt ra tiêu chuẩn cho hoạt động mua sắm một cách đạo đức, bền vững và chất lượng.
Bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) – tổ chức với sự tham gia của 172 quốc gia thành viên đại diện cho các cơ quan tiêu chuẩn quốc gia – Chính phủ có thể đồng bộ hóa quy trình mua sắm công với các thông lệ tốt nhất trên thế giới, thúc đẩy hành vi kinh doanh có trách nhiệm và tạo ra sự kết nối chặt chẽ trong chuỗi cung ứng.
Bài viết này sẽ đưa ra lý do các Chính phủ nên tích hợp các tiêu chuẩn quốc tế vào chiến lược mua sắm của mình, tận dụng các tiêu chuẩn trên nhiều lĩnh vực khác nhau để thúc đẩy nguồn cung ứng có đạo đức, tính bền vững và hiệu quả.
Điều chỉnh mua sắm công phù hợp nhu cầu xã hội
Chính phủ có trách nhiệm bảo vệ các giá trị đạo đức và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Bằng cách tích hợp các tiêu chuẩn quốc tế vào quy trình mua sắm, chẳng hạn như ISO 9001 – Hệ thống quản lý chất lượng, ISO 45000 – Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và ISO 14001 – Hệ thống quản lý môi trường, Chính phủ đảm bảo rằng nguồn ngân sách nhà nước được sử dụng một cách hiệu quả, ưu tiên các yếu tố như trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và nguồn cung ứng có đạo đức. Những tiêu chuẩn này là kim chỉ nam giúp cơ quan nhà nước đạt được hiệu quả hoạt động cao nhất, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững cho cộng đồng và môi trường.
Hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu và quốc gia
Các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (UNSDGs) đưa ra khung hành động để giải quyết các thách thức toàn cầu như nghèo đói, bất bình đẳng, tài nguyên môi trường và tiêu dùng trách nhiệm. Bằng việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế trong mua sắm, Chính phủ có thể đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu này thông qua thúc đẩy thực hành bền vững, trách nhiệm xã hội và gắn kết cộng đồng trong chuỗi cung ứng.
Ví dụ, việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14000 – Hệ thống quản lý môi trường có thể đáp ứng 12 mục tiêu UNSDGs bao gồm: 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9, 12, 13, 14, 15; ISO 45001 – Quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (OHS) có thể đáp ứng 7 mục tiêu UNSDGs bao gồm: 3, 5, 8, 9, 10, 11, 16 và ISO 9001 – Hệ thống quản lý Chất lượng có thể đáp ứng 4 mục tiêu UNSDGs gồm: 1, 9, 12, 14. Ba tiêu chuẩn này đại diện cho ba trong số các tiêu chuẩn kinh doanh được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới. Các tổ chức có chứng nhận theo ba tiêu chuẩn này sẽ đạt được 16 trong số 17 mục tiêu UNSDGs.
Các ví dụ khác về việc đối chiếu mục tiêu UNSDGs với các tiêu chuẩn:
Mục tiêu 1 – Xóa nghèo: ISO 20400 Mua sắm bền vững, ISO 37001 Hệ thống quản lý chống hối lộ.
Mục tiêu 7 – Năng lượng sạch với giá thành hợp lý: có 200 tiêu chuẩn liên quan đến chủ đề này, ISO 50001 Hệ thống quản lý năng lượng, ISO 52000 Hiệu quả năng lượng, ISO 9806 Năng lượng mặt trời.
Mục tiêu 12 – Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm: ISO 20400 Mua sắm bền vững, ISO 15392 Phát triển bền vững công trình kỹ thuật dân dụng, PAS 7000 Quản lý rủi ro nhà cung ứng.
Mục tiêu 13 – Hành động về khí hậu: ISO 14000 Hệ thống quản lý môi trường, ISO 14064 Phát thải khí nhà kính, ISO 14067 Dấu chân carbon, ISO 14080 Biến đổi khí hậu, ISO 32210 Tài chính bền vững, BSI Flex 701 Đặc điểm vốn tự nhiên.
Bảng dưới đây là một số ví dụ về việc các tiêu chuẩn ISO đóng góp vào các SDG, các tổ chức có thể tự vận hành bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn này vào chính sách, hướng dẫn, chỉ dẫn công việc và thực hành mua sắm:
Khuyến khích “thực hành tốt” (best practices) và hỗ trợ pháp lý
Thay vì áp đặt những quy định phức tạp, Chính phủ có thể sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm khuyến khích “thực hành tốt” cũng như hỗ trợ pháp lý trong từng ngành và lĩnh vực cụ thể. Các tiêu chuẩn này đặt ra những kỳ vọng rõ ràng về chất lượng, an toàn và tính bền vững, khuyến khích đổi mới sáng tạo và sự hiệu quả mà không kìm hãm sự phát triển của tổ chức, đồng thời tạo ra một sân chơi công bằng cho các nhà cung ứng. Nhờ đó, hàng hóa và dịch vụ được mua sắm sẽ đáp ứng tiêu chuẩn cao về tính toàn vẹn và độ tin cậy.
Tối ưu hoá sức mua của Chính phủ
Chính phủ với tư cách là những người tiêu dùng lớn, sở hữu sức mua đáng kể có thể ảnh hưởng đến “hành vi” của thị trường. Bằng cách điều chỉnh các tiêu chuẩn mua sắm phù hợp với chuẩn mực quốc tế, Chính phủ khuyến khích các nhà cung ứng áp dụng các “thực hành tốt” có trách nhiệm. Điều này đảm bảo rằng hàng hóa và dịch vụ được mua sắm đáp ứng tiêu chí nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn và tính bền vững, phục vụ lợi ích chung của người dân và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành. Đồng thời, các nhà cung ứng cũng có cơ hội kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu và sử dụng các chứng nhận của họ, từ đó giúp tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Giảm thiểu rủi ro và đảm bảo tính bền vững lâu dài
Việc theo đuổi chi phí thấp nhất trong mua sắm có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn như chất lượng sản phẩm kém, bóc lột sức lao động và suy thoái môi trường. Tiêu chuẩn quốc tế giúp giảm thiểu rủi ro này bằng cách thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và các hoạt động tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Chính phủ ưu tiên mua sắm dựa trên tiêu chuẩn sẽ giảm thiểu rủi ro về uy tín và xây dựng nền kinh tế bền vững có khả năng chống chọi với các thách thức toàn cầu. Đồng thời, điều này cũng khuyến khích văn hóa cải tiến liên tục và đổi mới sáng tạo trong ngành, đảm bảo rằng các giá trị xã hội được tích hợp đầy đủ vào chuỗi cung ứng.
Lợi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế
Việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trong mua sắm công mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, tổ chức và môi trường. Bằng cách ưu tiên chất lượng, tính bền vững và các tiêu chuẩn đạo đức trong quy trình mua sắm, Chính phủ có thể: Đảm bảo phúc lợi của người lao động và cộng đồng tham gia vào thị trường lao động;
Giảm thiểu tác động môi trường và thúc đẩy quản lý tài nguyên có trách nhiệm; Nâng cao chất lượng và sự an toàn của các sản phẩm và dịch vụ mà Chính phủ mua; Thúc đẩy sự đổi mới và khả năng cạnh tranh trong ngành; Xây dựng lòng tin và uy tín với các bên liên quan và người dân.
Vai trò của Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI)
Được thành lập vào năm 1901, BSI đóng vai trò then chốt trong việc định hình các tiêu chuẩn toàn cầu của nhiều ngành công nghiệp, chuỗi cung ứng và các khu vực khác nhau. Tiêu chuẩn hóa khổ đường ray, sản phẩm thép xây dựng, hàng hóa, thẻ tín dụng và container vận chuyển làm nổi bật những đóng góp của BSI cho thương mại và an toàn toàn cầu. Bên cạnh đó, BSI cũng là thành viên sáng lập của ISO và nhiều tiêu chuẩn Anh đã trở thành cơ sở và tài liệu nền tảng cho top 10 tiêu chuẩn kinh doanh hàng đầu thế giới về chất lượng, sự an toàn, môi trường, an toàn thông tin, tính liên tục của doanh nghiệp, quản lý năng lượng, chế độ nô lệ hiện đại và nhiều lĩnh vực khác.
Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO)
Năm 1946 tại London, 65 đại biểu đến từ 25 quốc gia đã hội tụ để cùng nhau thảo luận về tương lai của tiêu chuẩn hóa quốc tế. Đến năm 1947, ISO chính thức ra đời với 67 Ủy ban kỹ thuật tập trung vào từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể. Hiện nay, ISO đã có 172 quốc gia thành viên, 840 Ủy ban kỹ thuật và ban hành 25.495 tiêu chuẩn.
Sức mạnh mềm của tiêu chuẩn và hội nhập quốc tế
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hóa như hiện nay, tiêu chuẩn hóa đóng vai trò như một chất xúc tác quan trọng để thúc đẩy sự kết nối xuyên biên giới. Các cường quốc công nghiệp hàng đầu như Đế quốc Anh trước kia hay hiện nay là sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đã chứng minh lợi thế chiến lược của việc thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế. Bằng cách đồng bộ với khuôn khổ của ISO và hợp tác với 172 quốc gia thành viên, các Chính phủ có thể thúc đẩy kết nối toàn cầu và phát triển bền vững các lĩnh vực như đường bộ, cảng, đường ống, vận tải, sản xuất, thương mại và dịch vụ. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn ISO sẽ vô nghĩa nếu Chính phủ không áp dụng chúng vào hoạch định chính sách toàn diện ở cấp độ quốc gia và địa phương cũng như vào quá trình mua sắm công.
Trong một thế giới ngày càng kết nối, tiêu chuẩn hóa trở nên quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác, đổi mới, giảm chi phí, giảm việc gia công lại, giảm lượng khí thải, giảm dấu chân carbon và tăng cường khả năng chống chịu trước những thách thức toàn cầu. Những vấn đề cấp thiết cần có giải pháp toàn cầu và đây chính là nơi ISO và 172 quốc gia thành viên đóng vai trò quan trọng trong việc hài hòa hóa tiêu chuẩn.
Một số ví dụ về Chính phủ áp dụng tiêu chuẩn quốc tế
Một số quốc gia như Thụy Điển, Na Uy, New Zealand, Singapore, Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Vương quốc Anh được biết đến với việc Chính phủ áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào quy trình mua sắm công nhằm nâng cao chất lượng, tính bền vững về môi trường, an toàn nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, bảo vệ dữ liệu, bảo mật thông tin và chất lượng dịch vụ. Chính phủ có thể khai thác 25.495 tiêu chuẩn ISO hiện có để hỗ trợ cho hoạt động mua sắm cũng như các hoạt động khác của họ.
Việc nâng cao nhận thức về nguồn lực quý giá này và cách tiếp cận hợp lý có thể thúc đẩy công bằng, minh bạch và các thông lệ tốt của quốc tế, qua đó khuyến khích nhà cung ứng tích hợp đầy đủ các yếu tố như chất lượng chuỗi cung ứng, chất lượng sản phẩm, chất lượng quy trình và chất lượng hành vi.
(Còn tiếp…)
Đoàn thanh niên Ủy ban TCĐLCL Quốc gia
(Dịch từ “How standards can improve government procurement | Article | Hinrich Foundation”)