Áp dụng tiêu chuẩn nào khi khảo sát công trình nông nghiệp?

Thông qua Hệ thống tiếp nhận kiến nghị và trả lời công dân, doanh nghiệp của Chính phủ, bà Phạm Thị Ngọc Hà (Nam Định) đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải đáp, làm rõ một số nội dung trong áp dụng tiêu chuẩn khảo sát địa hình, địa chất đối với công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Cụ thể, theo phản ánh của bà Hà, trong tiêu chuẩn TCVN 8481:2010 tại Mục 5.2.3.1 có nêu, “khi nội dung không còn phù hợp với thực địa ở mức độ thay đổi đáng kể không vượt quá 40% và những biến đổi đó gây khó khăn trong việc sử dụng bản đồ để giải quyết các nhiệm vụ kinh tế kỹ thuật, khoa học thì phải hiệu chỉnh bổ sung”. Tuy nhiên, Tiêu chuẩn lại không nói rõ việc bổ sung thì tính đơn giá như thế nào.

Trong tiêu chuẩn TCVN 8478:2018 tại Mục 5.3 có nêu trường hợp “hệ số thay đổi 10% < T ≤ 40%, thì phải bổ sung cập nhật. Kinh phí đo bổ sung được tính bằng 40% của kinh phí cho toàn khu vực đo bổ sung”.

Bà Hà hỏi, đối với tiêu chuẩn TCVN 8481:2010 trường hợp bổ sung địa hình do thay đổi địa hình không quá 40% thì đơn giá có được áp theo 40% đo mới giống như tiêu chuẩn TCVN 8478:2018 đã nêu không? Nếu không được thì đơn giá trường hợp cập nhật bổ sung tính theo cơ sở nào?

Theo tiêu chuẩn TCVN 8481:2010 tại Mục 7.8 về đo vẽ các mặt cắt ngang quy định độ rộng bằng 1,2 ÷ 1,5 chiều rộng của tuyến công trình cần xây dựng. Vậy, chiều rộng của tuyến công trình cần xây dựng là như thế nào và xác định trên cơ sở nào? Vì theo trình tự thì trên cơ sở hồ sơ khảo sát được chủ đầu tư nghiệm thu người thiết kế mới có thể thiết kế công trình, như vậy tại thời điểm khảo sát và thời điểm nghiệm thu khảo sát chưa thể xác định được chiều rộng công trình cần xây dựng.

Ảnh minh hoạ

Tiêu chuẩn TCVN 8481:2010 đang viết tiêu chuẩn cho công trình theo trình tự thiết kế 3 bước gồm thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công. Vậy, với công trình thiết kế 2 bước gồm thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công thì ở bước thiết kế bản vẽ thi công áp dụng theo các khoản tại Mục 7 của TCVN 8481:2010 hay áp dụng theo các khoản tại Mục 8 của TCVN 8481:2010?

Tương tự, đối với tiêu chuẩn TCVN 8477:2018 đang viết tiêu chuẩn cho công trình theo trình tự thiết kế 3 bước gồm thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công. Vậy, với công trình thiết kế 2 bước gồm thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công thì ở bước thiết kế bản vẽ thi công áp dụng theo các khoản tại Mục 7 của TCVN 8477:2018 hay áp dụng theo các khoản tại Mục 8 của TCVN 8477:2018?

Về những thắc mắc trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có trả lời cụ thể. Theo Bộ này, đối với nội dung thứ nhất, Khoản 1, Điều 23 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006 và Khoản 2, Điều 6 Luật Xây dựng 2014 quy định: Tiêu chuẩn được áp dụng theo nguyên tắc tự nguyện.

Vì vậy, tổ chức, cá nhân lập nhiệm vụ khảo sát xây dựng công trình nói chung, cũng như lập nhiệm vụ khảo sát địa hình đối với công trình đê điều cần căn cứ vào đặc điểm, tính chất của công trình, mục tiêu, quy mô dự kiến xây dựng, hiện trạng khu vực xây dựng công trình,… và hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật về khảo sát xây dựng có liên quan để xem xét áp dụng phù hợp, bảo đảm đủ tài liệu, số liệu phục vụ công tác thiết kế xây dựng công trình.

Việc lập dự toán cần căn cứ theo Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí xây dựng và các Thông tư của Bộ Xây dựng: Số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 về hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 về ban hành định mức xây dựng cùng các quy định khác liên quan.

Đối với nội dung thứ hai, theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, tổ chức, cá nhân lập nhiệm vụ khảo sát xây dựng có trách nhiệm sơ bộ khối lượng các loại công tác khảo sát xây dựng.

Vì vậy, trong quá trình lập nhiệm vụ khảo sát công trình đê điều, tổ chức, cá nhân lập nhiệm vụ có trách nhiệm sơ bộ chiều rộng tuyến công trình cần xây dựng để xác định khối lượng đo vẽ mặt cắt ngang (việc sơ bộ chiều rộng tuyến công trình có thể căn cứ vào mục tiêu, quy mô dự kiến xây dựng, hiện trạng khu vực công trình, hồ sơ thiết kế ở giai đoạn trước (nếu có)),… Cụ thể như việc xác định chiều rộng tuyến công trình cần xây dựng quy định tại Mục 7.8 tiêu chuẩn TCVN 8481:2010 thuộc giai đoạn thiết kế kỹ thuật; vì vậy, có thể căn cứ vào hồ sơ giai đoạn thiết kế cơ sở để xác định phù hợp.

Đối với nội dung thứ ba, các Tiêu chuẩn: TCVN 8481:2010; TCVN 8477:2018 đã quy định cụ thể nội dung, thành phần khối lượng khảo sát địa hình của từng giai đoạn thiết kế, bao gồm: Thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị bà Hà căn cứ vào giai đoạn thiết kế của công trình để áp dụng phù hợp tương ứng.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích