Áp dụng tiêu chuẩn ISO 31000 giúp doanh nghiệp kiểm soát rủi ro hiệu quả

Lợi ích cho việc áp dụng quản lý rủi ro ISO 31000 

Thực tế cho thấy, mọi hoạt động trong tổ chức, doanh nghiệp đều tiềm ẩn xảy ra rủi ro khiến việc đạt được mục tiêu trở lên không chắc chắn. Do vậy, quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000 là một trong những giải pháp quan trọng giúp tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Quản lý rủi ro là quá trình nhận diện, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thất, mất mát. Nhiệm vụ của quản lý rủi ro là giúp tổ chức, doanh nghiệp nhận diện, thực hiện những chương trình ngăn chặn và kiểm soát tổn thất thông qua việc xem lại các hợp đồng và tài khoản liên quan nhằm quản lý rủi ro; cung cấp việc huấn luyện an toàn lao động.

Bên cạnh đó, việc này cũng nhằm đảm bảo tuân theo những yêu cầu của các Chính phủ liên quan đến sắp xếp những kế hoạch tài trợ phi bảo hiểm; quản lý các khiếu nại và làm việc với đại diện pháp lý khi có kiện tụng; thiết kế và phối hợp hình thành những chương trình phúc lợi công nhân…

Chính vì vậy, tháng 11/2009, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã ban hành ISO 31000:20091 – tiêu chuẩn về quản lý rủi ro – với mục đích giúp tất cả các doanh nghiệp, tổ chức quản lý rủi ro một cách hiệu quả nhất.

Áp dụng tiêu chuẩn ISO 31000 là một trong những giải pháp quan trọng giúp tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Theo đó, yêu cầu chung của bộ tiêu chuẩn ISO 31000:2009 bao gồm đánh giá nguyên tắc và hướng dẫn cung cấp các nguyên tắc, khuôn khổ và hình thức quản lý rủi ro một cách minh bạch, hệ thống và đáng tin cậy trong bất kỳ phạm vi hoặc môi trường hoạt động của tổ chức.

Tiêu chuẩn ISO 31000 nhằm đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan, bao gồm những người chịu trách nhiệm xây dựng chính sách quản lý rủi ro trong tổ chức; những người có trách nhiệm đảm bảo rằng rủi ro được quản lý hiệu quả trong phạm vi toàn bộ tổ chức hoặc trong một lĩnh vực, dự án hay hoạt động cụ thể…

Theo các chuyên gia, quản lý rủi ro đang là vấn đề lớn đối với các nhà điều hành hay quản lý doanh nghiệp. Vì vậy, việc áp dụng ISO 31000 sẽ là một trong những “công cụ” hữu hiệu hỗ trợ cho những chủ doanh nghiệp, giám đốc tài chính, giám đốc điều hành, những người đánh giá điều hành một tổ chức trong việc quản lý rủi ro.

Về phạm vi áp dụng, tiêu chuẩn này đưa ra hướng dẫn quản lý các rủi ro mà tổ chức phải đối mặt. Việc áp dụng các hướng dẫn này có thể được tùy chỉnh theo tổ chức và bối cảnh của tổ chức. Tiêu chuẩn này đưa ra cách tiếp cận chung để quản lý mọi loại rủi ro và không cho một ngành công nghiệp hay lĩnh vực cụ thể. Tiêu chuẩn này có thể được sử dụng trong suốt vòng đời của tổ chức và có thể được áp dụng cho bất kỳ hoạt động nào, kể cả việc ra quyết định ở tất cả các cấp.

Doanh nghiệp áp dụng thành công tiêu chuẩn quản lý rủi ro ISO 31000 

Tại Việt Nam, thực tế đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức áp dụng tiêu chuẩn quản lý rủi ro ISO 31000 vào hoạt động và đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Chẳng hạn, Dự án áp dụng ISO 31000 tại Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang (TP. Hồ Chí Minh) là một ví dụ điển hình. Công ty này đã được hướng dẫn áp dụng hệ thống quản lý rủi ro theo ISO 31000 cho toàn bộ hoạt động. Phương pháp thực hiện chủ yếu là dựa vào thực hành, các bước thực hiện phần lớn liên quan đến việc đánh giá ban đầu, đào tạo doanh nghiệp, thực hành hệ thống quản lý rủi ro; đánh giá hiệu quả và cải tiến.

Trong phương pháp này, nhóm dự án trực tiếp cùng đại diện doanh nghiệp thực hành các công cụ cải tiến tại chỗ, đo lường kết quả thực hành trước và sau khi cải tiến để xác định mức độ cải tiến bằng định lượng.

Hệ thống quản lý rủi ro của Điện Quang được thiết lập theo chuẩn mực quốc tế ISO 31000:2009, bao gồm: chính sách, mục tiêu quản lý rủi ro; khuôn khổ rủi ro; quy trình quản lý rủi ro; danh mục rủi ro và danh mục rủi ro đáng kể (tổng cộng hơn 230 rủi ro đã được nhận dạng). Bên cạnh đó là các phân tích, đánh giá và xác định mức độ ảnh hưởng của các rủi ro; các giải pháp hạn chế rủi ro và kế hoạch xử lý giảm thiểu rủi ro đáng kể.

Theo đó, hệ thống quản lý rủi ro theo ISO 31000 được áp dụng cho toàn thể các phòng ban của Công ty Điện Quang. Trong quá trình triển khai, Công ty đã nhận dạng và xác định được 17 rủi ro đáng kể để tập trung theo dõi và xử lý. Kết quả đã xử lý được 12/17 rủi ro (chiếm 70,5%), giảm thiểu so với trước khi áp dụng ISO 31000 theo số liệu thống kê.

Lãnh đạo Công ty cho biết, Điện Quang đã xây dựng được hệ thống quản lý rủi ro theo ISO 31000 phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm kiểm soát thường xuyên các rủi ro, giảm thiểu các rủi ro, tổn thất có thể xảy ra.

Đơn vị tiêu biểu tiếp theo áp dụng thành công tiêu chuẩn ISO 31000 đó chính là Nam A Bank. 

Áp dụng thành công tiêu chuẩn ISO 31000 còn giúp doanh nghiệp quản lý rủi ro hiệu quả 

Để đạt được chứng nhận ISO 31000 về quản lý rủi ro đối với các sản phẩm Tín dụng xanh, thời gian qua, Nam A Bank đã triển khai nhiều hoạt động ưu đãi, khuyến khích và ưu tiên xem xét cấp tín dụng đối với các Khách hàng có mục đích vay vốn hướng tới bảo vệ môi trường.

Cụ thể trong 6 lĩnh vực: Tiêu dùng xanh (mua sắm các thiết bị gia đình tiết kiệm điện có dán nhãn chứng nhận năng lượng từ 3 sao trở lên hoặc các phương tiện di chuyển chạy bằng điện, hybrid); năng lượng tái tạo (đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời), nông nghiệp xanh (đầu tư nâng cấp hệ thống tưới tiết kiệm và tự động); lĩnh vực xây dựng (đầu tư các dự án có sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường); mua nhà xanh (mua căn hộ thuộc danh sách tòa nhà xanh).

Việc triển khai áp dụng Tín dụng xanh trực tiếp vào các sản phẩm, dự án cụ thể giúp khách hàng dễ dàng và thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn cũng như khuyến khích các hoạt động kinh doanh phù hợp với môi trường ngày càng phát triển hơn.

An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích