Áp dụng phụ cấp lao động ngành Y cao nhất là hợp lý

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, không ai là chưa từng đến bệnh viện ít nhất đôi lần. Nếu không khám, điều trị bệnh thì cũng đến thăm người thân nằm viện điều trị. Và có đến, nhìn “khung cảnh” làm việc từ môi trường (mùi thuốc, hóa chất…) đến “tốc độ” làm việc mới thấy hết nhân viên Y tế cường độ làm việc căng thẳng ra sao, sự vất vả thế nào.

Áp dụng phụ cấp lao động ngành Y cao nhất là hợp lý
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trong lần thăm và động viên đội ngũ Y tế tuyến cơ sở tại tỉnh Đắk Lắk.

Nhớ lần, một bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức tâm sự, có những ca mổ cấp cứu chấn thương sọ não do tại nạn giao thông mất cả 5 – 6 tiếng đồng hồ, đứng tê chân, thậm chí máu nạn nhân còn dính cả áo, nhưng kết thúc ca mổ, số tiền phụ cấp được hưởng theo quy định cũng chỉ mấy trăm ngàn đồng. Khi đó, “tò mò” lên google tra cứu, giật mình, phụ cấp của nhân viên Y tế còn thua xa một số ngành nghề dân sự khác.

Là người trong ngành, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) cho biết, hiện chế độ tiền lương của nhân viên Y tế được áp dụng từ năm 2004, nghĩa là khoảng 20 năm, còn chế độ phụ cấp tại các nghị định của Chính phủ cũng đã được ban hành hơn 10 năm trước.

Cũng theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Chính phủ đã ban hành nghị định, áp dụng mức phụ cấp 100% đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn tại tuyến y tế cơ sở, nhưng thời gian áp dụng cũng chỉ đến hết năm 2023, từ năm 2024 thì chưa rõ phụ cấp của nhân viên Y tế được điều chỉnh như thế nào. Vì vậy, đại biểu đề nghị đưa nội dung ban hành quy định lương và phụ cấp vào nội dung cần thực hiện về chính sách đối với cán bộ tuyến Y tế cơ sở.

Áp dụng phụ cấp lao động ngành Y cao nhất là hợp lý
Nhân viên Y tế làm việc trong môi trường với cường độ cao và vất vả nên cần có chế độ đãi ngộ hợp lý (Ảnh minh họa).

Để giải quyết vấn đề bất cập này, với tư cách cơ quan tham mưu, vừa qua trong trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Trị liên quan đến nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, khi xây dựng chế độ tiền lương mới, Bộ đã đề nghị thực hiện phụ cấp cao nhất đối với viên chức ngành Y tế theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách tiền lương nhằm đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động trong ngành Y tế phù hợp với các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Với tinh thần đó, với thực tế bảng lương, mức phụ cấp như quy định hiện hành với đội ngũ Y tế hiện nay, ngành có sự mệnh cao cả “chữa bệnh cứu người” vô cùng vất vả, hy vọng tới đây những tham mưu, đề xuất của Bộ Y tế sẽ được cụ thể hóa thành văn bản quy phạm pháp luật để ít nhất phụ cấp của nhân viên Y tế phải đứng hạng cao nhất trong các ngành, nghề, lĩnh vực dân sự mới có thể bù đắp phần nào công sức, chất xám mà họ đã bỏ ra.

Hà Lê

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích