Áp dụng Mô hình nhóm huấn luyện TWI là yêu cầu đặt ra từ thực tiễn phát triển doanh nghiệp

Thực tế chứng minh, lao động có chuyên môn, kỹ thuật là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại trong quá trình cạnh tranh trên thị trường. Kinh nghiệm của nhiều công ty phát triển cũng chỉ ra công ty nào chú trọng tới đào tạo và huấn luyện nhân viên, công ty đó có nhiều cơ hội thành công hơn trong kinh doanh. Trong quá trình đào tạo, mỗi nhân viên sẽ tự tích lũy được những thiếu hụt về kiến thức và kỹ năng, cập nhật thêm kiến thức và đặc biệt là học tập được kinh nghiệm của những đồng nghiệp khác để đáp ứng nhu cầu công việc và đối đầu với những thách thức trong tương lai.

 Áp dụng các công cụ cải tiến nói chung và TWI giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, ổn định chất lượng. Ảnh minh họa.

Đầu tư vào con người luôn là khoản là đầu tư mang ý nghĩa chiến lược, bởi vậy việc áp dụng Mô hình nhóm huấn luyện TWI là yêu cầu đặt ra từ thực tiễn đối với doanh nghiệp trong quá trình phát triển. Từ đó, TWI giúp doanh nghiệp tối ưu nguồn lực sẵn có để đảm bảo sản lượng, nâng cao năng suất, ổn định chất lượng, rút ngắn thời gian giao hàng, tối ưu chi phí và tạo môi trường làm việc hài hòa.

Cụ thể, TWI (Training Within Industry) – Mô hình nhóm huấn luyện là hình thức đào tạo tại doanh nghiệp với các chương trình huấn luyện kỹ năng thiết yếu cho các cấp Giám sát viên. Nguyên tắc của TWI là phát triển một phương pháp đã chuẩn hóa, rồi đào tạo chuyên sâu những huấn luyện viên TWI về phương pháp chuẩn này, những huấn luyện viên TWI sẽ đào tạo những nhóm người khác (Giám sát viên) sử dụng các phương pháp chuẩn để xử lý các vấn đề cụ thể.

TWI gồm 3 chương trình huấn luyện chính: JIT (Job Instruction Training) – Kỹ năng chỉ dẫn việc; JMT (Job Methods Training) – Kỹ năng cải tiến phương pháp làm việc; JRT (Job Relations Training) – Kỹ năng quan hệ công việc. Cả 3 chương trình hầu như tập trung đào tạo cho nhóm đội ngũ quản lý giám sát trong doanh nghiệp.

Nói về lợi ích của từng chương trình, bà Lê Thị Hoàng Anh – Chuyên gia tư vấn Trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC 2), cho biết, kỹ năng chỉ dẫn việc giúp rút ngắn thời gian đào tạo, từ đó loại bỏ tái đào tạo nhân viên mới; xây dựng/chuẩn hóa hệ thống đào tạo; cải tiến và chuẩn hóa hệ thống quy trình; chuẩn hóa tay nghề cho nhân viên; giảm sản phẩm khuyết tật, sản phẩm làm lại và phế phẩm; giảm tỷ lệ tai nạn, tạo môi trường làm việc an toàn hơn; giảm sự lệ thuộc vào thợ lành nghề, nhân viên kinh nghiệm lâu năm; giảm hư hỏng dụng cụ, thiết bị; gia tăng sự hài lòng trong công việc…

Với kỹ năng cải tiến phương pháp làm việc, lợi ích là trang bị cho các cấp giám sát tư duy cải tiến theo 1 phương pháp chuẩn mực; chuẩn hóa hệ thống quy trình dựa trên thực hành tốt nhất của các nhân viên lâu năm kinh nghiệm hay thợ lành nghề; giảm tối đa sự phụ thuộc vào chuyên gia cải tiến bên ngoài từ việc xây dựng được đội ngũ chuyên gia cải tiến nội bộ là các cấp giám sát; tận dụng hiệu quả hơn nguồn lực, máy móc và nguyên liệu sẵn có để tăng năng suất – chất lượng – giảm chi phí.

Còn với kỹ năng quan hệ công việc, lợi ích chính là cung cấp nền tảng chuẩn mực nhằm xây dựng mối tương quan êm đẹp và ngăn ngừa các vấn đề có thể nảy sinh trong doanh nghiệp.

Bà Lê Thị Hoàng Anh khẳng định, TWI không nhằm giải quyết vấn đề trước mắt mà chú trọng vào việc phát triển kỹ năng giải quyết các vấn đề khi chúng nảy sinh. Điều này có nghĩa là người gặp vấn đề (công nhân) và người có thể kèm dẫn, hỗ trợ (giám sát viên) cần thường xuyên làm việc bên nhau. Khi các giám sát viên sử dụng kỹ năng học được từ TWI để giải quyết các vấn đề sản xuất, họ tự nhiên đóng vai trò huấn luyện viên, từ bỏ vai trò chỉ đạo và kiểm soát của một người “sếp” truyền thống và tạo ra môi trường học hỏi.

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích