Áp dụng mô hình năng suất tổng thể: Nhìn từ mô hình điểm TOMECO An Khang

Công ty cổ phần TOMECO An Khang thành lập từ năm 1993 đã chuyển đổi nhiều loại mô hình hoạt động và đến năm 2018, chính thức hoạt động theo mô hình công ty mẹ con. Năm 2019, sản phẩm Quạt công nghiệp của Công ty được Sở Công Thương Hà Nội đưa vào danh mục sản phẩm chủ lực của thành phố.

Trong phương châm kinh doanh của mình, TOMECO không ngừng đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại, áp dụng kịp thời tiến bộ khoa học – kỹ thuật tiên tiến của thế giới, cộng tác đắc lực, chu đáo với khách hàng và hợp tác toàn diện với nhà cung cấp vật tư, linh kiện nổi tiếng, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Từ năm 2012, Công ty tập trung phát triển mạnh mảng công nghiệp hỗ trợ và đã chính thức trở thành nhà cung ứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu cho các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Tập đoàn General Electric – GE (Mỹ). Năm 2014 trở thành nhà cung cấp sản phẩm vòi đốt dùng cho dầu khí cho Công ty Green Combustion (Anh). Từ sản phẩm này, Green Combustion lại xuất tiếp đi các nước trên toàn thế giới như Mỹ, Trung Cận Đông, Scotlen, Malaysia, trong đó có Việt Nam cho dầu khí Nghi Sơn.

Đặc biệt, từ năm 2015, TOMECO đã hợp tác cùng nhà sản xuất quạt tiên tiến đến từ Tây Ban Nha – SODECA S.L.U. để cùng nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới trên thế giới vào công tác thiết kế và liên kết sản xuất sản phẩm quạt hút khói, chống cháy lan và an toàn PCCC phục vụ thị trường Việt Nam. Đây cũng là một mảng hoạt động đang được đánh giá rất tiềm năng của Công ty.

Áp dụng mô hình năng suất tổng thể: Nhìn lại mô hình điểm từ TOMECO An Khang

Nhờ áp dụng mô hình năng suất tổng thể, giá trị xuất khẩu của Công ty CP Cơ điện TOMECO An Khang đã tăng hơn hơn 100% và tạo được niềm tin lớn đối với khách hàng. 

Theo lãnh đạo công ty, doanh nghiệp nhỏ càng đối diện nhiều khó khăn, vì mong muốn là vô cùng, nhưng năng lực có hạn. TOMECO An Khang muốn trở thành một nhà máy chuyên nghiệp, nhưng hệ sinh thái xung quanh cơ bản không đáp ứng được. Khó khăn nữa là cạnh tranh từ nội bộ Việt Nam và nước ngoài. Đối thủ cạnh tranh đến dồn dập, còn không kịp hoàn thiện sản xuất. 

Với thế mạnh về sản xuất quạt công nghiệp trong 26 năm, việc nắm giữ và kiểm soát toàn bộ chuỗi giá trị trong sản xuất quạt từ nghiên cứu, thiết kế đến sản xuất, lắp đặt và bảo hành… giúp TOMECO có thể tùy biến “may đo” sản phẩm theo nhu cầu riêng biệt của mỗi công trình.

Đối với mảng sản phẩm hỗ trợ, Công ty xác định, không làm hỗ trợ sản xuất hàng loạt, mà làm những đơn hàng nhỏ cho hãng với yêu cầu quy trình quản lý chất lượng và công nghệ rất cao.

Đã sản xuất phải nghĩ đến năng suất và TOMECO không phải ngoại lệ. Để trở thành một vệ tinh công nghiệp hỗ trợ trong tương lai, từ nhiều năm qua, Công ty đã triển khai nhiều hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, ISO 5801:2007, các công cụ LEAN, 5S; tham gia nhiều dự án của JICA, WB… nhằm hoàn thiện hệ thống quản lý và nâng cao năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, theo đánh giá của doanh nghiệp, các biện pháp đều chưa thực sự hiệu quả, luôn ở trong tình trạng có tư vấn ở đấy thì tốt, tư vấn đi là đâu hoàn đấy.

Vì thế, Công ty đã quyết định áp dụng mô hình năng suất tổng thể và quyết tâm theo đuổi bằng được các mục tiêu của dự án một cách nghiêm túc, với mong muốn thay đổi căn bản nhận thức về nâng cao năng suất từ đội ngũ cán bộ lãnh đạo đến nhân viên tất cả các phòng ban, phân xưởng.

Sau khi khảo sát thực trạng và nguyên nhân dẫn đến tình trạng năng suất lao động của Công ty không có sự cải thiện sau khi đã đầu tư mới nhiều trang thiết bị, đội tư vấn cùng lãnh đạo Công ty đã thống nhất một số giải pháp cải tiến tập trung vào việc nâng cao sự thỏa mãn của khách hàng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng; Cải tiến tiến độ giao hàng; Nâng cao hiệu suất thiết bị; Nâng cao hiệu suất phân xưởng; Cải tiến chất lượng; Xây dựng văn hóa cải tiến.

Áp dụng mô hình năng suất tổng thể: Nhìn lại mô hình điểm từ TOMECO An Khang

 Tất cả được đánh số rõ ràng để dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy.

Công ty được các tư vấn viên Viện Năng suất Việt Nam giúp đỡ trong việc thúc đẩy sự thay đổi toàn bộ đội ngũ CBCNV. Sau khi đưa ra các giải pháp cụ thể với từng mục tiêu, đội ngũ tư vấn đã sát cánh, đồng hành cùng toàn thể Công ty nỗ lực triển khai các đề xuất cải tiến trong vòng 12 tháng và lãnh đạo Công ty đã nhận thấy sự thay đổi rất rõ nét. Nhận xét ban đầu của Công ty là chi phí nhân công/doanh thu có dấu hiệu giảm, trong khi thu nhập anh em vẫn tốt, mặt bằng nhà xưởng gọn gàng hơn, giảm bớt căng thẳng không cần thiết trong sản xuất.

Thông qua thực hiện dự án, các cán bộ quản lý và CBCNV Công ty đã có được kinh nghiệm thực hiện các dự án cải tiến và chủ động trong hoạt động cải tiến tiếp theo. Bằng việc thiết lập hệ thống đo lường hiệu suất với các con số cụ thể cho người quản lý biết được hiện trạng sản xuất tại bất kỳ thời điểm nào giúp ra quyết định kịp thời, giảm bớt thời gian họp hành vì đã có được đầy đủ các số liệu cần thiết, đồng thời người công nhân biết hiệu quả công việc của mình để cố gắng phấn đấu.

Từ kết quả này, Công ty đã lập kế hoạch để tiếp tục cải tiến trong những năm tiếp theo, tập trung vào hoàn thiện hệ thống quản trị của doanh nghiệp.

Phương Nam

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích