Áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý cảng biển nâng cao năng suất giải phóng tàu
Việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng cảng biển, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa và phát triển kinh tế. Theo thông tin từ Cục Hàng Hải Việt Nam, hệ thống dữ liệu về hạ tầng cảng biển dự kiến sẽ được hoàn thiện vào năm tới. Khi đó, lĩnh vực hàng hải sẽ có cùng lúc 3 hệ thống dữ liệu để phục vụ cho công tác chuyển đổi số, bao gồm dữ liệu về phương tiện tàu thuyền, thuyền viên và hạ tầng cảng biển.
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, lĩnh vực hàng hải hiện nay đã cung cấp 52 thủ tục hành chính cấp độ 4 trên cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó, có 11 thủ tục hành chính cho tàu thuyền ra vào cảng.
Ông Lê Nam Tuấn – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường, Cục Hàng hải Việt Nam chia sẻ: “Tất cả thủ tục điện tử đều làm trực tuyến online nên không phải mất thời gian đi lại. Việc nộp phí cũng được thực hiện trực tuyến và hiện nay, các cảng vụ hàng hải đều áp dụng hóa đơn điện tử”.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng hoá container qua cảng biển trong 2 tháng đầu năm nay ước đạt hơn 4 triệu Teus, tăng 27% so với cùng kỳ. Trong đó, các khu vực có sản lượng container thông qua lớn gồm Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu đều ghi nhận mức tăng trưởng từ 40-60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đơn cử tại Bà Rịa – Vũng Tàu đến nay, các doanh cảng biển tại Cái Mép-Thị Vải đã ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ trong hoạt động khai thác cảng như phần mềm điều hành, khai thác cảng biển (TopX, Catos, Vtos, Navis, Ptos…); phần mềm cảng thông minh; nền tảng cảng biển số (Smarthub) và nhiều phần mềm quản lý hoạt động của xe container, xà lan ra vào cảng.
Kết quả vào tháng 6 năm 2023, cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) đã xác lập một kỷ lục mới về năng suất khai thác khi làm hàng cho tàu mẹ Maersk Emden. Với năng suất cảng kỷ lục 233 container/giờ, gần 7.000 TEU hàng hóa xuất nhập khẩu, trung chuyển và container rỗng đã được xếp dỡ nhanh chóng, an toàn chỉ trong khoảng 20 giờ. Nhờ vậy, tàu mẹ Maersk Emden khởi hành sớm hơn 3 giờ so với kế hoạch, đưa hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam kết nối một cách nhanh nhất với thị trường Mỹ.
Trước đó, tàu CMA CGM MARCO POLO trọng tải 190.000 DWT cập cảng Gemalink, trong vòng 24 tiếng đã xếp dỡ 8.664 TEU hàng hóa với năng suất bến lên đến 208 container/giờ, đưa tàu khởi hành sớm hơn 17 tiếng so với dự kiến, tiết kiệm hàng tỷ đồng cho khách hàng.
Trong khi đó, Tân Cảng – Cái Mép (TCIT) cũng là đơn vị được đánh giá cao khi năng suất giải phóng tàu năm 2023 đạt 130-135 container/giờ. Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc kinh doanh TCIT cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực để gia tăng năng suất giải phóng tàu, tăng năng lực khai thác, đủ nguồn lực đảm bảo khai thác cho 5-10 năm tới.
Khoa học công nghệ cũng được áp dụng để giám sát các cảng biển. Cụ thể, Trung tâm điều hành thông minh tại Cục Hàng hải Việt Nam đang theo dõi dữ liệu của toàn bộ các cảng vụ trên cả nước. Trong đó, hai cụm cảng lớn là Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, cùng với 10 khu cảng nhỏ khác đã được đầu tư hơn 300 tỷ đồng cho hệ thống giám sát và điều phối hàng hải (VTS).
Tại phòng điều hành của hệ thống giám sát và điều phối hàng hải (VTS) tại khu vực Hải Phòng, toàn bộ hệ thống được đầu tư hơn 100 tỷ đồng, có đầy đủ các dữ liệu theo thời gian thực để quản lý tàu thuyền xuất nhập khẩu tại cảng biển.
Ông Vũ Tú Nam – Trưởng đại diện Cảng vụ Hải Phòng tại Cát Hải cho biết: “Cho đến nay, nhờ có hệ thống VTS và hệ thống camera tích hợp đi kèm, chúng tôi có ngay các thông tin theo thời gian thực để qua đó điều phối hoạt động của tàu thuyền”.
Đại diện của Cục Hàng Hải Việt Nam cũng cho biết, việc đầu tư hệ thống giám sát và điều phối hàng hải (VTS) tại các cảng vụ trên cả nước đã đem lại nhiều lợi ích. Hiện nay, toàn bộ 25 khu vực cảng vụ trên cả nước đang được tiếp tục đầu tư hệ thống VTS, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và vận hành các hoạt động hàng hải.
Duy Trinh