Áp dụng Kaizen để cải tiến chất lượng sản phẩm với doanh nghiệp vừa và nhỏ
Kaizen là 2 từ ghép trong tiếng Nhật: Kai – liên tục và Zen – cải tiến, dịch sang thuật ngữ tiếng Anh là “ongoing improvement” nghĩa là sự cải tiến không ngừng nghỉ. Trước kia, Kaizen chủ yếu được áp dụng trong các công ty sản xuất tại Nhật như Toyota, Suzuki, Canon, Honda… Sau đó, Kaizen dần được áp dụng rộng rãi – trong mọi công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như dịch vụ, kinh doanh, công nghệ,… Đối với vấn đề quản lý chất lượng, ứng dụng Kaizen để không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm để thoả mãn ở mức cao nhất, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Kaizen gồm có rất nhiều chương trình, công cụ khác nhau để nâng cao chất lượng, giảm lãng phí trong sản xuất thông qua những cải tiến nhỏ nhặt nhưng mang tính thường xuyên và liên tục. Trong đó, mọi doanh nghiệp sẽ coi chất lượng là số một, chính sách chất lượng phải hướng tới khách hàng, thỏa mãn mọi mong muốn của khách hàng. Việc không ngừng cải tiến, hoàn thiện chất lượng là một trong những hoạt động quan trọng của quản lý chất lượng toàn diện.
Áp dụng Kaizen để cải tiến chất lượng sản phẩm với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo chuyên gia, với doah nghiệp và nhỏ và vừa có 6 bước thực hiện Kaizen để cải tiến chất lượng sản phẩm.
Bước 1: Phân tích quy trình ảnh hưởng đến sản xuất
Doanh nghiệp cần xem xét và nhận diện tất cả các điểm không phù hợp, ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm. Thông thường, vấn đề chất lượng chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố từ nguyên vật liệu đầu vào, quy trình quản lý sản xuất đến khâu lưu trữ sản phẩm. Do đó, doanh nghiệp cần chú trọng một cách toàn diện các khâu kiểm soát chất lượng từ: IQC (kiểm soát chất lượng đầu vào), PQC (kiểm soát quy trình sản xuất), OQC (kiểm soát chất lượng đầu ra).
Bước 2: Xác định vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng cần cải thiện
Thông qua việc quan sát, phân tích về mọi khía cạnh sản xuất của nhà máy, đặc biệt trong các khâu QC của tổ chức. Doanh nghiệp cần xác định một cách chuẩn xác và rõ nét các vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng thì mới có thể xử lý tận gốc.
Bước 3: Xây dựng giải pháp cải tiến chất lượng
Từ chính vấn đề đang gặp phải, doanh nghiệp cần tìm ra hướng đi mới có thể giải quyết toàn bộ những vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng. Để có thể xây dựng các giải pháp cải tiến chất lượng một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần tham khảo lời khuyên của các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất. Không những vậy, nhà quản lý cũng có thể tham khảo ý kiến từ các phòng ban khác để có được những góc nhìn đa chiều hơn.
Doanh nghiệp nên sử dụng phương pháp Brainstorming (tập kích não) để tìm ra được nhiều giải pháp nhất có thể cũng như giúp thực hiện bước 3 đạt hiệu quả cao nhất.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, việc thực hiện cải tiến liên tục (Kaizen) là vô cùng cần thiết.
Bước 4: Thực hiện cải tiến chất lượng theo phương pháp đề ra
Đây là lúc bạn thực hiện Kaizen theo kế hoạch đã lập. Trong quá trình thực hiện, các cấp quản lý và người có liên quan phải thường xuyên đến để thu thập thông tin và kiểm tra, giám sát việc áp dụng Kaizen vào thực tế của doanh nghiệp. Để thực hiện quá trình này, cần có sự tham gia đóng góp ý của toàn bộ nhân viên trong tổ chức, từ các công nhân trong phân xưởng, cho tới nhân viên của khối văn phòng cũng Ban Quản trị. Bởi, sự hợp tác và gắn kết của từng cá nhân sẽ giúp thực hiện quá trình Kaizen một cách hiệu quả nhất.
Bước 5: Đo lường và đánh giá kết quả
Khâu đo lường hết sức quan trọng. Cần kiểm tra lại các bước Kaizen xem có hiệu quả hay không bằng những cách sử dụng các dữ liệu để so sánh với những yêu cầu ban đầu đặt ra (ví dụ tỉ lệ NG lỗi hỏng qua các công đoạn có được giảm thiểu). Sau đó dựa trên báo cáo, doanh nghiệp có thể đánh giá quá trình kaizen có kết quả tương xứng với kỳ vọng mà doanh nghiệp đặt ra hay không?
Bước 6: Chuẩn hóa giải pháp quản lý chất lượng trong doanh nghiệp
Nếu quá trình Kaizen góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng của sản phẩm, doanh nghiệp cần chuẩn hóa lại quy trình quản lý chất lượng, đưa vào thành quy tắc thực hiện trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên khi không đạt được kết quả mong đợi, doanh nghiệp sẽ cần thay đổi hướng khắc phục một cách tổng quát và triệt để hơn.
Phương Nam