Áp dụng ISO 45001: Tạo nơi làm việc an toàn, hướng đến tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
Tóm tắt
Các tổ chức, doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn ISO 45001 như một cách để quản lý và giảm thiểu rủi ro an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (ATSKNN), giảm thiểu các tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tăng cường hiệu suất của nhân viên trong một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh. Đồng thời nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu luật định và các yêu cầu khác về quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.
Mở đầu
Trong thời gian từ tháng 02/2022 đến tháng 6/2024 đã có 10 doanh nghiệp tham gia triển khai áp dụng Hệ thống quản lý An toàn & Sức khoẻ nghề nghiệp ISO 45001 theo nhiệm vụ “Nhân rộng áp dụng Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp ISO 45001:2018 và Hệ thống quản lý Kinh doanh liên tục cho các Tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam”, mã số 03.4/NSCL-2022 do Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 là đơn vị chủ trì thực hiện.
Kết quả thực hiện tại 10 doanh nghiệp được thể hiện thông qua các số liệu về nhận diện mối nguy ATSKNN, các biện pháp kiểm soát và các văn bản pháp luật mà doanh nghiệp đã xác định tuân thủ nhằm tạo nơi làm việc an toàn, đáp ứng yêu cầu luật định và các yêu cầu khác về quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.
Kết quả đạt được
Trong quá trình triển khai áp dụng Hệ thống quản lý An toàn & Sức khoẻ nghề nghiệp (HTQL ATSKNN) ISO 45001 tại 10 doanh nghiệp, nhóm chuyên gia tư vấn đã thực hiện hoạt động khảo sát thực trạng ban đầu, đào tạo nhận thức về ISO 45001 cho cán bộ nhân viên, hướng dẫn biên soạn và áp dụng tài liệu Hệ thống quản lý An toàn & Sức khoẻ nghề nghiệp tại doanh nghiệp cho phù hợp với tiêu chuẩn ISO 45001, đào tạo Đánh giá viên nội bộ, hướng dẫn đánh giá nội bộ và khắc phục sau quá trình đánh giá nội bộ, kể cả hoạt động đánh giá chứng nhận cuối cùng.
Để có cơ sở tạo nơi làm việc an toàn, việc hướng dẫn cho doanh nghiệp xác định mối nguy về an toàn, sức khoẻ nghề nghiệp liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp là rất quan trọng. Nếu việc xác định mối nguy đầy đủ, cụ thể, doanh nghiệp sẽ có đủ thông tin để đưa ra các biện pháp kiểm soát về an toàn & sức khoẻ nghề nghiệp có hiệu lực, hiệu quả.
Quá trình triển khai tại 10 doanh nghiệp, nhóm chuyên gia tư vấn đã khảo sát, đánh giá cùng với doanh nghiệp nhận diện mối nguy, xác định các biện pháp kiểm soát về an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp trước và sau khi áp dụng ISO 45001 tại từng doanh nghiệp. Kết quả tổng hợp mối nguy đã được nhận diện mối nguy ATSKNN trước và sau khi áp dụng được thể hiện qua Hình 1 sau.
Hình 1: Số lượng mối nguy về ATSKNN tại các doanh nghiệp.
Khi đã nhận diện được các mối nguy, mỗi doanh nghiệp dựa trên điều kiện thực tế, năng lực của mình để xác định và thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát vấn đề về an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp mình. Điều này góp phần không nhỏ trong việc tạo nơi làm việc an toàn của doanh nghiệp. Số lượng biện pháp kiểm soát trước và sau khi áp dụng tại 10 doanh nghiệp đều tăng lên, được thể hiện qua Hình 2 như sau.
Hình 2: Số lượng biện pháp kiểm soát về ATSKNN tại các doanh nghiệp.
Quá trình triển khai áp dụng ISO 45001 tại 10 doanh nghiệp, kết quả bước đầu chưa ghi nhận xảy ra tai nạn lao động nặng hoặc phát sinh bệnh nghề nghiệp của người lao động.
Bên cạnh việc tạo nơi làm việc an toàn, ngăn ngừa tổn thương và bệnh tật cho người lao động, việc áp dụng ISO 45001 giúp cho các doanh nghiệp nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu pháp luật và yêu cầu khác về ATSKNN. Kết quả triển khai thực hiện và tuân thủ pháp luật ATSKNN tại 10 doanh nghiệp tham gia nhiệm vụ được thể hiện thông qua số văn bản pháp luật mà doanh nghiệp phải thực hiện và tuân thủ, một số kết quả thực hiện được thể hiện qua Hình 3 như sau.
Hình 3: Số văn bản pháp luật liên quan ATSKNN áp dụng tại các doanh nghiệp
Sau thời gian triển khai hướng dẫn áp dụng Hệ thống quản lý An toàn & sức khoẻ nghề nghiệp theo ISO 45001 cho 10 doanh nghiệp, Nhóm tham gia nhiệm vụ nhận thấy một số thuận lợi như sau:
– Lãnh đạo và cán bộ nhân viên doanh nghiệp đã thấy rõ tầm quan trọng của việc tạo nơi làm việc an toàn, đảm bảo sức khoẻ cho người lao động và đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện xây dựng, áp dụng hệ thống, bao gồm cả việc cải tiến hiện trường khu vực sản xuất;
– Các doanh nghiệp đã có nền tảng hệ thống quản lý như ISO 9001:2015,… do đó cũng thuận lợi cho quá trình xây dựng, triển khai áp dụng ISO 45001;
– Hoạt động đào tạo về ISO 45001 cho 360 lượt người lao động 10 doanh nghiệp đã góp phần nâng cao nhận thức của người lao động, giúp người lao động thấy rõ lợi ích về ATSKNN và chủ động triển khai áp dụng, góp phần giảm thiểu các rủi ro về ATSKNN, tạo nơi làm việc an toàn.
Bên cạnh thuận lợi như đã nêu trên, quá trình triển khai tại doanh nghiệp cũng gặp một số khó khăn như:
– Một là, tình hình kinh tế giảm sút gần đây ảnh hưởng đến hoạt động, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hạn chế nguồn lực cho các hoạt động xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý theo ISO 45001.
– Hai là, nhân sự của doanh nghiệp còn kiêm nhiệm nhiều công việc nên thời gian tập trung cho hoạt động triển khai, áp dụng hệ thống cũng bị ảnh hưởng, làm kéo dài tiến độ triển khai áp dụng ISO 45001.
Kết luận và khuyến nghị
Sau hơn 02 năm triển khai nhiệm vụ “Nhân rộng áp dụng Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp ISO 45001:2018 và Hệ thống quản lý Kinh doanh liên tục cho các Tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam”, mã số 03.4/NSCL-2022 cho 10 doanh nghiệp trên cả nước, ngoài các kết quả ban đầu đạt được như trên thì doanh nghiệp cũng đạt được những kết quả, hiệu quả như:
Một là, đã nhận diện mối nguy và xác định các biện pháp kiểm soát ATSKNN phù hợp và thực hiện kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tại doanh nghiệp nhằm cung cấp nơi làm việc lành mạnh và an toàn, ngăn ngừa tổn thương và bệnh tật cho người lao động;
Hai là, góp phần nâng cao việc tuân thủ các yêu cầu pháp luật và yêu cầu khác về ATSKNN;
Ba là, các doanh nghiệp tham gia áp dụng đã được tổ chức chứng nhận độc lập đánh giá, cấp giấy chứng nhận phù hợp ISO 45001:2018. Điều này góp phần cải thiện, nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp đối với khách hàng, các bên quan tâm.
Ngoài ra, để tiếp tục nâng cao hiệu lực áp dụng và tăng cường công tác cải tiến HTQL ATSKNN, các doanh nghiệp cần thường xuyên giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện và cập nhật mối nguy về ATSKNN, xây dựng biện pháp kiểm soát thích hợp để tạo nơi làm việc an toàn, ngăn ngừa tổn thương và bệnh tật cho người lao động, để người lao động yên tâm sản xuất.
Tài liệu tham khảo:
– Tiêu chuẩn ISO 45001:2018 – Hệ thống quản lý An toàn & Sức khoẻ nghề nghiệp;
– Các Kết quả đào tạo liên quan xây dựng, áp dụng ISO 45001:2018 tại 10 doanh nghiệp tham gia nhiệm vụ;
-10 Báo cáo đánh giá kết quả, hiệu quả của 10 doanh nghiệp tham gia nhiệm vụ.
Trần Khánh Vũ (QUATEST 2)