Áp dụng công cụ bố trí mặt bằng: Doanh nghiệp tăng năng suất, giảm chi phí

Để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, việc áp dụng các công cụ cải tiến là giải pháp vô cùng hữu hiệu đối với doanh nghiệp, trong đó phải kể đến công cụ bố trí mặt bằng (Layout). Theo đó, bố trí mặt bằng trong doanh nghiệp là việc tổ chức, sắp xếp, định dạng về mặt không gian các phương tiện vật chất được sử dụng để sản xuất ra sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bố trí mặt bằng hợp lý sẽ góp phần nâng cao năng suất chất lượng, nhịp độ sản xuất nhanh hơn, tận dụng và phát huy tối đa nguồn lực vật chất vào sản xuất nhằm thực hiện mục tiêu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhân viên công ty An Pha đang thực hành kỹ thuật. (Ảnh minh họa)

Tại Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Kỹ thuật Cơ khí An Pha, việc áp dụng công cụ bố trí mặt bằng đã mang đến hiệu quả nhất định. Với định hướng trở thành một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo máy đóng gói, máy đóng gói cà phê, máy đóng gói tự động, máy ép ly tự động, máy ép ly sữa chua, máy chiết rót chuyên nghiệp tại Việt Nam, Cơ khí An Pha cam kết không ngừng đổi mới, sáng tạo và cải tiến liên tục, áp dụng các giải pháp quản lý tinh gọn, hiệu quả và tối ưu hóa nguồn lực sử dụng để mang đến cho khách hàng những lợi ích tốt nhất cũng như chất lượng ổn định.

Bố trí mặt bằng sản xuất là một trong những nội dung quan trọng trong quản trị sản xuất, nó ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí và thời gian sản xuất sản phẩm và cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp. Trong điều kiện mặt bằng sản xuất và dịch vụ ngày càng khó kiếm và đắt giá, việc bố trí mặt bằng một cách hợp lý và khoa học sẽ giúp tăng cường tính hiệu quả và tiết kiệm chi phí rõ rệt.

Trong quá trình triển khai, nhóm cải tiến đã cùng tư vấn phân tích mặt bằng, các điều kiện sản xuất khu vực gia công chế tạo, xác định dòng chảy sản phẩm, tính toán và tìm đường đi tối ưu của sản phẩm. Từ đó, các giải pháp được đưa ra bàn bạc để tối ưu hóa hoạt động sản xuất, trình ban lãnh đạo công ty phê duyệt và thử nghiệm. Nhóm đã lên kế hoạch thử nghiệm thay đổi layout mặt bằng khu vực gia công chế tạo, bố trí lại khu vực theo quy trình sản xuất, di dời khu cấp vật tư, di dời các phòng làm việc, kho vật tư vào những nơi hợp lý,…

Kết quả sau 2 tháng triển khai đã đạt mục tiêu cải tiến đề ra: sản phẩm trước đây xử lý cần 140 phút đã xuống chỉ còn 40 phút, thời gian tìm kiếm nguyên vật liệu cũng giảm từ 180 phút xuống còn 60 phút. Theo các kết quả nhóm tính toán, năng suất tạo ra sản phẩm ước tính tăng hơn 15%, giảm được 10% chi phí nguyên vật liệu cho một máy tại công đoạn gia công nhờ quản lý tốt kho vật tư và thành phẩm tại mỗi công đoạn.

Việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất ngày càng được ưa chuộng và trở nên tất yếu đối với doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Không riêng công ty An Pha, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã và đang áp dụng công cụ bố trí mặt bằng kết hợp nhiều công cụ cải tiến khác như 5S, Lean, Kaizen với mục tiêu chung mang đến là tăng năng suất lao động, giảm chi phí và loại bỏ lãng phí. Việc áp dụng các công cụ ngày càng được ưa chuộng và trở nên tất yếu đối với doanh nghiệp Việt Nam nói riêng cũng như trên thế giới.

Mai Phương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích