Áp dụng 5S tại doanh nghiệp: Lợi ích và một số yếu tố cản trở
Lợi ích nhìn thấy
Những năm trở lại đây, công cụ cải tiến năng suất chất lượng 5S (bao gồm Seiri – Sàng lọc, Seiton – Sắp xếp, Seiso – Sạch sẽ, Seiketsu – Săn sóc, Shitsuke – Sẵn sàng) đã từng bước phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Áp dụng 5S không những tạo ra môi trường làm việc gọn gàng, ngăn nắp, thuận tiện mà còn góp phần cải thiện chất lượng sản phẩm hàng hóa, giảm giá thành sản xuất, mang lại hiệu quả về mặt kinh doanh.
Sử dụng 5S giúp cải thiện chất lượng sản phẩm hàng hóa. (Ảnh minh họa)
Đại diện một số doanh nghiệp cho biết, đối với 5S, khi áp dụng, ngay từ đầu doanh nghiệp đã nhìn thấy hiệu quả thông qua việc các nhà máy, phân xưởng đều gọn gàng, sạch sẽ. Việc áp dụng công cụ này giúp cho vấn đề vệ sinh, môi trường lao động được chăm chút, công nhân cũng vì thế có tinh thần lao động hơn.
Việc áp dụng 5S đã giúp doanh nghiệp thu được nhiều lợi ích đáng kể như: Giảm lãng phí thời gian tìm kiếm dụng cụ trong ca làm việc; Dụng cụ, nguyên liệu đặt ở vị trí phù hợp giúp việc chuyển tiếp giữa các công đoạn được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng hơn; Tỷ lệ hỏng hóc thiết bị và lãng phí do dừng máy ngoài kế hoạch giảm đáng kể thông qua việc kiểm tra, bảo trì và bảo dưỡng định kỳ…
Hiện việc thực hiện 5S đã dần trở thành một phần trong văn hóa cải tiến của nhiều doanh nghiệp. Điều này mang lại thái độ làm việc chủ động, tích cực, có tinh thần trách nhiệm cho mỗi nhân viên, góp phần giảm rủi ro về các vấn đề an toàn, cải thiện năng suất và nâng cao đáng kể chất lượng môi trường lao động.
Một số yếu tố cản trở
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, bên cạnh những doanh nghiệp áp dụng hiệu quả 5S vẫn còn nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam chưa áp dụng thành công và gần như chỉ dừng lại ở mức độ làm sạch sẽ, gọn gàng nơi làm việc, thực hiện chỉ mang tính phong trào.
Một chuyên gia về năng suất đã chỉ ra một số yếu tố làm cản trở quá trình áp dụng 5S ở các doanh nghiệp Việt Nam. Trước tiên phải kể đến là nhiều doanh nghiệp chưa rõ mục tiêu và lý do tại sao cần áp dụng 5S. Đây là xuất phát điểm nhưng cũng chính là yếu tố tiên quyết để xác định thành công hay thất bại cho vấn đề này.
Sau thời gian áp dụng, hiệu quả mang lại chính là sạch sẽ, ngăn nắp… nhưng chi phí, nguồn lực bỏ ra rất lớn so với hiệu quả thực tế và ý thức tự giác của con người không được hình thành, dần dần hoạt động dậm chân tại chỗ và chỉ hành động khi nào có phong trào hoặc thực hiện với tinh thần gượng ép.
Bên cạnh đó là phương pháp tiếp cận và triển khai thực hiện 5S còn vội vàng. Cụ thể, nền tảng về 5S vẫn hạn chế, nhận thức của nhân viên vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, nhưng khi áp dụng lại muốn nhanh chóng có kết quả, áp đặt mục tiêu lớn, thay đổi đột ngột… tạo ra sự chuyển biến môi trường làm việc nhưng lại thiếu đi tính bền vững.
Mặt khác, lãnh đạo doanh nghiệp chưa có thời gian dành cho 5S. Trong điều hành kinh doanh, lãnh đạo chỉ cần trao quyền, thiết lập mục tiêu và chỉ thị công việc thì có thể hoàn thành kỳ vọng của mình. Nhưng trong thực hành 5S, nếu lãnh đạo không thể hiện vai trò đi đầu, không làm gương, không tự giác, không dành thời gian để vào hiện trường mà chỉ chỉ thị, hô hào cho dù có áp đặt hoặc cưỡng chế cũng khó thành công.
Thanh Tùng