Anh thử nghiệm vắc xin ngừa ung thư ‘theo nhu cầu’ có quy mô lớn đầu tiên trên thế giới

Theo các nhà nghiên cứu, các bệnh nhân đáp ứng đủ các tiêu chí và đồng ý xét nghiệm máu, lấy mẫu mô ung thư sẽ được tham gia vào thử nghiệm. Hiện tại đã có hàng chục bệnh nhân được chấp thuận và sắp tới, NHS sẽ tổ chức tuyển chọn thêm vài ngàn người nữa tại 30 địa điểm NHS trên khắp nước Anh.

Các thử nghiệm đầu tiên dự kiến sẽ tập trung vào ung thư đại trực tràng, da, phổi, bàng quang, tuyến tụy và thận… và sẽ được mở rộng hơn trong tương lai.

Các vắc xin ngừa ung thư được điều chế riêng cho mỗi bệnh nhân, sau khi bác sĩ lấy một phần khối u và giải trình tự ADN. Họ sẽ chỉ mất vài tuần để tạo ra mũi tiêm được cá nhân hóa dành riêng cho khối u của bệnh nhân đó.

Khi vào cơ thế, vắc xin ung thư sẽ hoạt động bằng cách ra lệnh cho hệ miễn dịch của người bệnh săn lùng và tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào, ngăn chặn bệnh quay trở lại.

Bệnh nhân đầu tiên tham gia là ông Elliot Pfebve, 55 tuổi, giảng viên Đại học Coventry. Ông không hề có triệu chứng nhưng được chẩn đoán ung thư đại trực tràng sau một lần kiểm tra sức khỏe định kỳ với bác sĩ gia đình.

Anh đang thử nghiệm lâm sàng vắc xin ung thư “cá nhân hóa” quy mô lớn. Ảnh minh họa

Để thử nghiệm vắc xin ung thư trên cơ thể ông Elliot, đầu tiên các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ khối u và 30cm ruột già, sau đó thực hiện hóa trị. Các nhà nghiên cứu kế đó lấy mẫu và phân tích khối u của ông để xác định các đột biến đặc trưng rồi điều chế vắc xin cá nhân hóa phù hợp.

Nói về tình trạng hiện tại của bệnh nhân, tiến sĩ Victoria Kunene cho biết còn quá sớm để nói liệu bệnh nhân đã được chữa khỏi hoàn toàn hay chưa, nhưng cô cũng mong có một phép màu xảy ra.

“Dựa trên dữ liệu hạn chế mà chúng tôi có, hiện tại vắc xin và cơ thể bệnh nhân đang có phản ứng tích cực và hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cần thêm dữ liệu và cần tiếp tục thử nghiệm trên những bệnh nhân phù hợp khác trước khi đưa ra kết luận”, cô cho biết.

Với ông Pfebve, tham gia thử nghiệm này là một quyết định thực sự quan trọng trong cuộc đời ông, có ý nghĩa với cả cá nhân và gia đình.

“Thật tuyệt vời khi tôi có thể đóng góp một phần nhỏ tạo nên phương pháp điều trị ung thư mới và nếu thành công, sẽ có rất nhiều bệnh nhân khác được chữa trị”, ông Elliot tâm sự.

Các quan chức NHS cho biết nếu các vắc xin cá nhân hóa này được phát triển, nghiên cứu và phê duyệt thành công, nó có thể trở thành một phần trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiêu chuẩn.

Trước đó hơn 90 nhà nghiên cứu đến từ Cuba và Argentina xác định được loại vắc xin có tên Racotumomab ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư và tấn công vào khối u nhưng không hề gây ảnh hưởng đến các tế bào và cơ quan xung quanh. Có thể nói đây là một phát minh mới của y học trong điều trị ung thư, mang lại hi vọng cho những bệnh nhân chẩn đoán ung thư phổi và thời gian sống chỉ đếm từng ngày.

Tính đến nay, vắc xin đã được cấp phép và bán tại 25 quốc gia trên thế giới có thể kéo dài tuổi thọ của những trường hợp bệnh nhân chỉ sống được thêm 2 năm lên gấp 3 lần. Bên cạnh đó, các chuyên gia vẫn khuyến cáo nên thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả, từ bỏ thuốc lá sẽ là biện pháp kéo dài tuổi thọ của người dân trên thế giới hiệu quả nhất.

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho rằng, các thử nghiệm lâm sàng đóng vai trò thiết yếu trong quá trình nghiên cứu về vắc xin phòng ngừa cũng như vắc xin điều trị ung thư. Các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm các loại vắc xin trên nhiều bệnh lý ung thư, bao gồm: Ung thư bàng quang, ung thư não, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng, ung thư hắc tố, ung thư phổi, tủy xương, ung thư tụy…

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích