Ánh sáng xanh không thực sự nguy hiểm như nhiều người nghĩ

Ánh sáng xanh là loại ánh sáng với bước sóng từ 380nm (nanomet) đến 500nm (nanomet) và con người có thể nhìn thấy được. Nó thường có thể được chia nhỏ thành 2 loại đó là ánh sáng xanh tím có bước sóng từ 380nm đến 450nm và ánh sáng xanh lam có bước sáng từ 450nm đến 495nm.

Đây là loại ánh sáng đơn sắc hiện hữu ở nguồn sáng tự nhiên là mặt trời và nhân tạo đến từ các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, tivi, đèn LED,… Ánh sáng xanh đi trực tiếp đến võng mạc mắt và ảnh hưởng giấc ngủ. Tuy nhiên, nó không nguy hiểm như nhiều người lầm tưởng.

Thực tế đã có nhiều thông tin về tác hại của ánh sáng xanh phát ra từ màn hình thiết bị điện tử. Các khuyến cáo về ảnh hưởng xấu của ánh sáng xanh đối với sức khỏe con người đa phần nghe có vẻ hợp lý, khiến chúng ta tin tưởng. Tuy nhiên, sự thật không hoàn toàn đúng vậy.

Ánh sáng xanh không thực sự gây hại mắt. Ảnh minh họa 

Theo Học viện Nhãn khoa Mỹ (AAO), không có bằng chứng khoa học nào cho thấy ánh sáng xanh gây hại mắt hoặc tạo ra căng thẳng. Một nghiên cứu gần đây cũng cho thấy kính chống ánh sáng xanh không có tác dụng làm giảm mỏi mắt.

Một mối quan tâm khác là ảnh hưởng của ánh sáng xanh đối với giấc ngủ. Chắc chắn ánh sáng xanh có tác động đến chu kỳ giấc ngủ. Màn hình điện thoại nguyên nhân sâu xa của nhiều vấn đề.

Thông tin phổ biến là ánh sáng xanh ngăn chặn quá trình sản xuất melatonin ở con người, một loại hormone giúp chúng ta ngủ. Điều này đúng về mặt kỹ thuật, nhưng chi tiết bên trong lại mang đến cái nhìn khác. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy việc dán mắt vào điện thoại thực sự làm chậm quá trình sinh ra melatonin. Tuy nhiên, nồng độ melatonin của những người tham gia thử nghiệm trở lại mức bình thường chỉ 15 phút sau khi họ ngừng nhìn vào màn hình.

Nhìn chung, việc sử dụng thiết bị điện tử liên tục trong thời gian dài sẽ tác động xấu đến sức khỏe con người, bao gồm cả ảnh hưởng của ánh sáng xanh đối với mắt và giấc ngủ. Tuy nhiên, vấn đề bị thổi phồng quá mức. Chỉ cần hạn chế thời gian sử dụng, không phải lo lắng thêm về những việc khác.

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích