Ảnh hưởng của công trình nghỉ dưỡng cao tầng đến đường chân trời thành phố Nha Trang
Ảnh hưởng của công trình nghỉ dưỡng cao tầng đến đường chân trời thành phố Nha Trang
Việc xây dựng các công trình nghỉ dưỡng cao tầng(CTNDCT) ven biển ở các TP biển Việt Nam đang đặt ra những thách thức, cần tìm giải pháp nhằm cân bằng giữa chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương và giữ gìn cảnh quan đô thị du lịch biển.
Sự xuất hiện của các công trình nghỉ dưỡng cao tầng (CTNDCT), gồm các khách sạn và căn hộ du lịch nằm bên bờ biển, góp phần hình thành đường chân trời độc đáo và dần trở thành điểm nhấn của đô thị ven biển. TP biển Nha Trang hội tụ đủ các đặc điểm địa hình tự nhiên (núi, sông, đồng bằng, đồng trũng và vịnh biển, bãi biển trải dài với đường cong nhẹ). Do vậy, việc nghiên cứu những ảnh hưởng của CTNDCT ven biển đối với chất lượng hình ảnh đô thị và đường chân trời TP Nha Trang là việc cần thiết, nhằm góp phần cụ thể hóa đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040. Nội dung bao gồm việc lượng hóa các yếu tố đánh giá chất lượng thị giác của đường chân trời thông qua chiều cao của tòa nhà, sự chuyển đổi chiều cao, mật độ xây dựng, khoảng cách của các tòa nhà và tỷ lệ các cạnh của hình khối tòa nhà dưới các góc quan sát khác nhau. Từ đó, có đánh giá khách quan về quy hoạch và tổ chức tổng thể các CTNDCT khu vực ven biển.
Chất lượng hình ảnh đường chân trời ven biển Nha Trang
1. Khái quát đặc trưng thiên nhiên và cấu trúc không gian đô thị biển Nha Trang:
TP Nha Trang hội đủ các yếu tố tự nhiên gồm núi đồi, đồng bằng, đồng trũng, sông và vịnh biển; đặc biệt, dải bờ biển với độ cong nhẹ tạo nên hàng loạt các góc nhìn phong phú khi di chuyển dọc theo nó. Bên cạnh đó các ngọn núi là những bức phông nền thiên nhiên hùng vĩ cho bức tranh đô thị. Các tuyến đường đô thị nối kết trung tâm TP với biển chạy theo hướng Đông – Tây, vuông góc với đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng ven biển, chạy dài theo trục Bắc – Nam cùng với dải bờ biển chính là hệ xương sống và cạnh biên giới hạn không gian đô thị.
2. Vai trò của CTNDCT với đường chân trời ven biển Nha Trang
Đường chân trời là vẻ ngoài của một hình dạng hoặc mẫu hình được tạo ra trên nền trời, đặc biệt bởi các tòa nhà. Do vậy, trong đô thị vai trò của các công trình cao tầng rất quan trọng vì nó là yếu tố tạo ra đường chân trời cho đô thị đó.
Đến tháng 10/2019, toàn TP Nha Trang có hơn 150 CTNDCT (trong đó có 24 công trình cao 40 tầng), được xây dựng tập trung tại khu vực ven biển dọc đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng và các đường song song đường Trần Phú nằm phía trong thành phố như: Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật …1
Mối tương quan giữa các CTNDCT và đường chân trời ven biển:
- Thứ nhất, đường chân trời phản ánh đường nét tổng thể của một TP. Đối với một TP vùng đồng bằng, chỉ có thể nhìn thấy đường chân trời ở phía xa TP, chiều cao và mật độ của các tòa nhà sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đường chân trời. Riêng Nha Trang do bị giới hạn bởi mặt biển; đồng thời, có độ cong nhẹ nên từ phía biển các góc nhìn từ bãi biển hoặc các ngọn đồi nhô ra biển sẽ cho các góc nhìn tương đối bao quát đường chân trời TP. Từ trong TP, có góc nhìn từ điểm cao đồi Trại Thủy hoặc điểm cao Nhà Thờ Núi cũng có thể bao quát được đường chân trời TP.
- Thứ hai, do tính chất của đô thị với khu trung tâm tại phường Lộc Thọ, tâm điểm là Trung tâm Hội nghị tỉnh Khánh Hòa, xung quanh tập trung rất nhiều các CTNDCT. Phần phía Bắc (tính từ Bắc Sông Cái trở ra) cũng như khu vực phía Nam (từ khu sân bay cũ) trở xuống là khu vực phát triển trong giai đoạn sau này. Do vậy, đặc điểm đường chân trời ven biển Nha Trang có hình dạng cao tại khu trung tâm TP, tỏa thấp dần về 2 phía Bắc và Nam.
- Thứ ba, tuy đường chân trời kéo dài suốt dọc chiều dài bờ biển nhưng chưa có tính kết nối và còn rời rạc; việc bị khống chế chiều cao tối đa 40 tầng cùng với hình thức công trình dạng tấm chữ nhậtvuông góc với biển cũng làm cho đường chân trời ven biển đơn điệu, nhàm chán không có điểm nhấn. Ngoài ra, khu vực phía Bắc TP có nhiều đồi, núi vươn ra biển, mang đậm hình ảnh thiên nhiên nên việc phát triển các CTNDCT cũng ảnh hưởng đến cảnh quan, đường nét thiên nhiên khu vực này.
Ảnh hưởng của CTNDCT ven biển đến chất lượng hình ảnh đường chân trời TP Nha Trang
- Hệ thống hóa hình thái đô thị, quá trình phát triển CTNDCT ven biển trong tổng thể đô thị;
- Phân chia các khu vực nghiên cứu thành 07 đoạn tải dài suốt 11km bờ biển dựa trên hiện trạng xây dựng các CTNDCT, ranh giới hành chính các khu vực có các đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu hoặc quy chế quản lí kiến trúc quy hoạch 2;
- Phân loại CTNDCT hiện trạng theo đặc điểm (độ cao, mật độ xây dựng), vị trí xây dựng (xây dựng tại các lô đất được quy hoạch hay xây xen cấy trong các khu dân cư);
- Phân loại các điểm nhìn, các cao điểm, hướng nhìn thuận lợi để cảm nhận hình ảnh đô thị;
- Lập tiêu chí đánh giá chất lượng hình ảnh đường chân trời với các yếu tố do các CTNDCT mang lại
- Từ các kết quả thu được qua việc phân tích đề xuất định hướng phát triển.
Đường chân trời được đánh giá trên các yếu tố: Thay đổi chiều cao, chuyển tiếp chiều cao, mật độ xây dựng và khoảng cách các công trình; tuy nhiên, với đặc thù bị giới hạn bởi bãi biển nên việc quan sát các công trình chủ yếu bám theo trường nhìn từ bãi biển hoặc tuyến đường ven biển, dao động trong khoảng 60-800 so với trục chính công trình. Do vậy, yếu tố 3 – tỷ lệ chiều rộng và chiều sâu công trình ảnh hưởng khả năng hiển thị các diện công trình và các khoảng hở của đường chân trời.
Tại khu vực phía Nam – khu trung tâm; trên nền các ô đất lớn được phân chia trước đây, các CTNDCT xây dựng chủ yếu hình chữ nhật theo hướng vuông góc với biển nhằm hạn chế bức xạ mặt trời, tỷ lệ chiều rộng/chiều sâu: thấp; do vậy, khi nhìn dọc từ tuyến đường ven biển hoặc từ bãi biển (góc quan sát thay đổi nằm trong khoảng 60-800) gây ra hiệu ứng hiển thị “bức tường”. Khu vực phía Bắc xuất phát việc xây dựng các CTNDCT từ các lô đất hợp thửa các lô đất quy hoạch là nhà phố nhỏ và dẹt theo chiều mặt biển nên tỷ lệ này cao, dẫn đến hiện tượng các công trình như giăng ngang mặt biển che khuất phần phía sau.
Phân tích nhận dạng hình ảnh và hiển thị đường chân trời khu vực ven biển Nha Trang được thực hiện chi tiết dưới các góc nhìn khác nhau, qua đó, thấy được đường chân trời ven biển hiện nay còn rời rạc lủng củng, chưa có điểm nhấn, một số đoạn tác động lớn đến đường nét thiên nhiên. Chiều cao công trình hiện nay của Nha Trang bị hạn chế tối đa chỉ 40 tầng, nên ít nhiều ảnh hưởng đến sự đột phá, điểm nhấn của đường chân trời. Góc quan sát chính để nhận dạng đường chân trời đối với khách du lịch là từ bãi biển nhìn về khu trung tâm hoặc các khu vực thắng cảnh như Bãi Dương. Tại các vị trí này, góc quan sát dao động thông thường từ 60-800 so với mặt đứng chính công trình. Các công trình khu vực trung tâm khi quan sát từ các trục đường và bãi biển cảm nhận rõ các bức tường vuông góc biển chồng lớp lẫn nhau; ngược lại, khu vực phía Bắc tạo bức tường giăng ngang biển che khuất phía sau. Ngoài ra, khu vực này còn có cảnh quan thiên nhiên núi, đồi nên ảnh hưởng của các CTNDCT phải được xem xét kỹ lưỡng khi quy hoạch xây dựng.
Tạm kết
Xu thế phát triển du lịch, dịch vụ tại các đô thị ven biển Việt Nam nói chung và Nha Trang nói riêng dẫn đến việc xây dựng các CTNDCT khu vực ven biển đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng là tất yếu. Tuy nhiên, làm thế nào để các TP du lịch xây dựng các CTNDCT phù hợp với điều kiện cụ thể về cảnh quan, môi trường, địa hình của mỗi địa phương là một câu hỏi lớn đối với các nhà quản lý, thiết kế quy hoạch, kiến trúc, chủ đầu tư cùng các bên liên quan khác. Các CTNDCT trong đô thị du lịch là các biểu trưng về kinh tế đóng góp vào bộ mặt cảnh quan đô thị, góp phần thu hút khách du lịch; do vậy, nên được nhìn nhận nhiều hơn từ quan điểm xã hội, văn hóa, kinh tế và môi trường cảnh quan đô thị. Qua đó, góp phần bổ sung cơ sở đánh giá về tổ chức không gian kiến trúc tổng thể khu vực ven biển Nha Trang, giúp các nhà quản lí và các bên liên quan có cái nhìn cụ thể hơn khi định hướng phát triển không gian đô thị ven biển; đặc biệt, trong việc cụ thể hóa đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040 đang hoàn thiện các bước cuối cùng trước khi phê duyệt.
ThS. KTS. Nguyễn Hải Bình
TS.KTS. Ngô Lê Minh
Trường Đại học Tôn Đức Thắng
Tài liệu tham khảo
1. Ayu Wandira Putpitasari, Article in Architectural Research Quarterly, Analysis of Visual Quality of Riverfront Skyline through the Feature of Height and Spatial Arrangement of Tall Building,2019;
2. Bộ Xây dựng, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD, 2021
3. Chương trình phát triển hợp tác phát triển trong lĩnh vực môi trường Việt Nam – Đan Mạch, Sổ tay Quy hoạch và thiết kế đô thị ở Việt Nam, 2010;
4. Doshik Yang, Dissertation University College London, Waterfront: Spatial Composition and Culture Use, 2006;
5. Doãn Minh Khôi, Nhà Xuất bản Xây dựng, Hình thái học đô thị, 2017;
6. Đặng Thái Hoàng, Nhà Xuất bản Xây dựng, Hợp tuyển thiết kế đô thị, 2011;
7. Kevin Lynch, MIT Press, Image of the City, 1960;
8. K.Al. Kodmany, Wit Press, Future of the City – Tall building and Urban design, 2013;
9. Ngô Lê Minh. Tạp chí Kiến Trúc – Hội KTS Việt Nam, Tiếp cận phương pháp phân tích cấu trúc không gian. 2006 (08). Pg: 67 – 71;
10. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1396/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang, Khánh Hòa đến năm 2025, 2012;
11. Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 1456/QĐ-TTg ngày 25/9/2020 của phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang, Khánh Hòa đến năm 2040, 2020;
12. UBND TP Nha Trang, Quy chế quản lý Quy hoạch Kiến trúc Khu vực Xương Huân – Vạn Thạnh, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa kèm Quyết định số 592/QĐ-UBND ngày 30/6/2020;
13. Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP), Hồ sơ báo cáo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040 lập tháng 5/2020;
14. Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP), Hồ sơ đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025 lập năm 2012.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị