Anh: Cảnh báo tác động hiện tượng thời tiết khắc nghiệt với sức khỏe con người
Anh: Cảnh báo tác động hiện tượng thời tiết khắc nghiệt với sức khỏe con người
Ngày 11/12, Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) cảnh báo nguy cơ gia tăng tác động của hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đối với sức khỏe con người.
Trong báo cáo, UKHSA cho biết 90 chuyên gia tại Anh đã xây dựng mô hình dự báo khí hậu dựa trên kịch bản thời tiết nóng lên, cũng như “kịch bản tồi tệ” nhất khi nhiệt độ Trái Đất tăng xấp xỉ 4,3 độ C vào năm 2100.
Đối với viễn cảnh đầu tiên, số ca tử vong liên quan đến nắng nóng dự báo sẽ tăng gấp 1,5 lần và thậm chí 12 lần vào những năm 2030 và 2070. Các chuyên gia ước tính số ca tử vong do nắng nóng cực độ tại Anh vào những năm 2050 là khoảng 10.000 ca.
Trong bối cảnh thời tiết nắng nóng thúc đẩy quá trình sinh sản của các loài muỗi vằn và muỗi hổ châu Á, báo cáo nhận định các bệnh do vật trung gian lây truyền như sốt chikungunya, sốt xuất huyết và sốt do virus Zika sẽ bắt đầu xuất hiện thời gian tới, dự kiến vào thời điểm những năm 2040 và 2050 tại Anh, hay những năm 2060 hoặc những năm 2070 tại xứ Wales, Bắc Ireland và một phần vùng đồng bằng Scotland.
Ngoài ra, việc Anh gia tăng phụ thuộc vào nguồn thực phẩm từ các quốc gia dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến sự ổn định của nguồn cung lương thực, đặc biệt là rau quả tươi.
Giám đốc khoa học của UKHSA Isabel Oliver cảnh báo biến đổi khí hậu tiềm ẩn thách thức khôn lường tới xã hội và an ninh lương thực, ảnh hưởng tới không khí, chất lượng cũng như nguồn cung thực phẩm và nước sạch.
Bà nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động để đảm bảo các chính sách, môi trường và hành vi thích ứng với khí hậu nhằm bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc và sinh kế của người dân, ngăn chặn tác động của biến đổi khí hậu tới sức khỏe con người.
Tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) ở Dubai (UAE), Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo năm 2023 nhiều khả năng là năm nóng nhất trong lịch sử loài người.
Đại Phong (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị