Anh cam kết tài trợ 9,2 triệu USD cho dự án đo CO2 tại rừng Amazon
Anh cam kết tài trợ 9,2 triệu USD cho dự án đo CO2 tại rừng Amazon
Đại sứ quán Anh tại Brazil nêu rõ London sẽ tài trợ 7,3 triệu bảng (9,2 triệu USD) cho dự án mang tên ‘AmazonFACE’ được triển khai tại phía Bắc thành phố Manaus thuộc bang Amazonas của Brazil.
Đại sứ quán Anh tại Brazil vừa qua đã thông báo nước này đã công bố khoản tài trợ mới cho dự án khoa học mang tính bước ngoặt trong rừng nhiệt đới Amazon trên lãnh thổ Brazil giúp xác định tác động từ các mức tăng lượng CO2 đối với cây rừng.
Tuyên bố của Đại sứ quán Anh nêu rõ London sẽ tài trợ 7,3 triệu bảng (9,2 triệu USD) cho dự án mang tên “AmazonFACE” được triển khai tại phía Bắc thành phố Manaus thuộc bang Amazonas của Brazil. Trước đó, Anh đã tài trợ tổng số tiền 32 triệu real (gần 6,5 triệu USD) cho các quỹ khác của quốc gia Nam Mỹ này.
Theo tuyên bố, trong khuôn khổ dự án, các nhà khoa học dựng hàng chục tháp quan trắc làm nhiệm vụ bơm CO2 vào tán cây rừng và theo dõi cách thức thực vật hấp thụ loại khí nhà kính thúc đẩy biến đổi khí hậu này.
Thí nghiệm như vậy giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn cách thức rừng Amazon có thể phản ứng với lượng CO2 gia tăng trong bầu khí quyển. Một mặt CO2 khiến nhiệt độ tăng cao hơn, nhưng một mặt khác, hợp chất này có thể bón cho cây với những tác động tiềm tàng lên chu trình nước. Điều này có thể cho thấy khả năng thích ứng của Amazon với biến đổi khí hậu trong những thập kỷ tới.
Nhóm nghiên cứu sẽ bắt đầu tổng hợp các kết quả thí nghiệm trong dự án vào năm 2024. Những kết quả này sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng khoa học trên toàn cầu về cách thức rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới có thể giúp thu giữ carbon, đồng thời tiết lộ tình trạng tổn hại của Amazon trước tác động của biến đổi khí hậu.
Dự án AmazonFACE là công trình của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia về rừng Amazon, Đại học Campinas tại Brazil và Cơ quan Khí tượng Anh.
Trước đó, trong tháng này, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cam kết đóng góp 80 triệu bảng (hơn 99,4 triệu USD) cho Amazon Fund, một sáng kiến lớn nhận được nguồn tài trợ của Na Uy và Đức nhằm ngăn chặn nạn phá rừng và hỗ trợ các dự án bền vững tại rừng Amazon.
Hiện 60% diện tích rừng Amazon nằm trên lãnh thổ Brazil. Do hấp thụ lượng lớn CO2 nên rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hạn chế tác động của biến đổi khí hậu và được ví là “Lá phổi xanh của Trái Đất”.
Vĩnh Hải (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị