Ấn tượng Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2021
Công nghệ cung cấp giải pháp phục vụ chống dịch
Năm 2021 là năm đầy khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam khi tình hình dịch bệnh căng thẳng làm gián đoạn chuỗi cung ứng với khởi đầu là dịch bệnh bùng phát tại các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang trong quý II/2021. Tiếp đến là việc giãn cách xã hội của 19 tỉnh phía nam trong quý III/2021, nơi chiếm khoảng 45% trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước. Các doanh nghiệp và người lao động có thể nói là một trong những đối tượng chịu tổn thất nặng nề nhất.
Theo thống kê, có hơn 436 triệu doanh nghiệp toàn thế giới phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn hoạt động nghiêm trọng. Trong 9 tháng đầu năm 2021 đã có hơn 90 nghìn doanh nghiệp ở nước ta giải thể và tạm ngừng kinh doanh. Như vậy, bình quân một tháng có hơn 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020.
Bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp đang có sự suy giảm mạnh quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ lĩnh vực, các ngành nghề sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh ấy, cộng đồng doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm và thu nhập cho người lao động.
Có thể thấy, dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự thay đổi công nghệ trong toàn nền kinh tế. Theo thống kê, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10/2021 đã có dấu hiệu phục hồi khi chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 6,9% so với tháng trước.
Theo các chuyên gia, vaccine phòng COVID-19 chính là yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động sản xuất trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh. Chính phủ đã quán triệt phương châm phòng, chống COVID-19 là “5K + vaccine + công nghệ”, cho thấy yếu tố công nghệ là rất quan trọng. Thực tế, các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã góp phần phát triển, cung cấp giải pháp công nghệ phục vụ phòng, chống dịch cũng như các hoạt động kinh tế xã hội.
Nhiều doanh nghiệp đã chủ động ứng dụng các công nghệ hiện đại để thích ứng, vượt qua khó khăn do dịch Covdi-19 gây ra. Ảnh minh hoạ
Mạng lưới tiêm chủng trực tuyến rộng khắp
Trong 2 năm qua, lực lượng y tế chính là những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch. Tinh thần xả thân và nhiệt huyết của các chiến sĩ áo trắng là không thể phủ nhận để giúp chúng ta kiểm soát dịch bệnh.
Từ tháng 4 đến tháng 9/2021 là 5 tháng thật sự khó khăn và đầy thử thách trong lịch sử ngành y tế. Hàng trăm nghìn cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế tại các tỉnh, thành có dịch và gần 20.000 thầy thuốc chi viện từ các đơn vị y tế tuyến trung ương và địa phương đã kề vai sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu vào các điểm nóng dịch COVID-19, đương đầu với dịch bệnh.
Cho đến hôm nay, những cố gắng, nỗ lực, đóng góp, hy sinh của các thầy thuốc, các y bác sĩ, nhân viên, cán bộ y tế đã góp phần mang lại kết quả. Chúng ta đã bước đầu thành công, dịch bệnh được khống chế tại tâm dịch và được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các bệnh viện tuyến trung ương trong thời gian ngắn kỷ lục đã thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19, huy động lực lượng y tế tinh nhuệ và trang thiết bị hiện đại để giành giật sự sống cho hàng vạn bệnh nhân nặng và nguy kịch.
Theo Bộ Y tế, tất cả các điểm tiêm chủng lần này đã hình thành mạng lưới tiêm chủng trực tuyến, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin sẽ công khai các thông tin về số lượng người tiêm, số lượng liều vaccine được sử dụng. Tất cả đều được kiểm soát toàn bộ.
Để làm điều này, chúng ta đã đẩy nhanh áp dụng sổ sức khỏe điện tử, đăng ký tiêm chủng qua app và tin nhắn. Mỗi người dân khi nhận được nhắn tin mời đăng ký tiêm thì có tin nhắn phản hồi, để làm sao khi vaccine về sẽ có tin nhắn mời người dân đi tiêm. Điều này có nghĩa là mọi thông tin về tiêm chủng phải thể hiện trên hệ thống điều hành tiêm chủng online. Sau tiêm, hệ thống sẽ nhắc 2 tiếng/lần theo dõi phản ứng sau tiêm chặt chẽ để người tiêm biết. Đối với những người không dùng điện thoại smartphone, sẽ có đầu số tổng đài nhắn những thông tin cụ thể liên quan đến tiêm chủng.
Dạy online trở thành xu thế tất yếu
Trong 2 năm qua, y tế và giáo dục là hai trong số những lĩnh vực gặp nhiều khó khăn thách thức lớn do đại dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, toàn ngành nói chung và đội ngũ thầy cô giáo đã khắc phục khó khăn, biến nguy thành cơ, coi đây là cú hích để chúng ta thay đổi tư duy quản lý, phát huy sự sáng tạo trong mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và toàn ngành giáo dục để tăng khả năng thích ứng hoàn cảnh, nhất là quản lý rủi ro. Ngoài ra, dịch COVID-19 cũng là cơ hội để ngành giáo dục đẩy mạnh chuyển đổi số, là tiền đề cho nhiều lĩnh vực khác, tác động lớn đối với sự phát triển đất nước, cả trước mắt và lâu dài.
Không chỉ ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, ngay tại những thành phố lớn, các thầy, cô giáo đang đối mặt với những thách thức lớn, đòi hỏi sự thay đổi tư duy, sáng tạo trong cách dạy và học để bám trụ với nghề. Để thích ứng, các thầy, cô giáo đã từng bước sử dụng công nghệ nhằm tìm ra cách thức “sống” với nghề trong giai đoạn này.
Nếu với các cấp học khác, việc tiếp xúc công nghệ diễn ra một cách quen thuộc và khá tự nhiên thì với ngành giáo dục mầm non, các cô khó có thể sử dụng công nghệ để dạy học. Các cô giáo đã sử dụng công nghệ để kết nối với nhau và với phụ huynh. Hiện nay, nhiều cô giáo đã tự quay video các bài giảng của mình rồi tự chỉnh sửa những video này và gửi lên mạng cho các phụ huynh để cả gia đình có thể đồng hành cùng bé qua mùa dịch bệnh với những hoạt động giáo dục bổ ích.
Thủ tướng Chính phủ đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có điều kiện học trực tuyến. Qua chương trình, quyết tâm thực hiện mục tiêu năm học 2021 bảo đảm việc phủ sóng di động toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương, phủ sóng toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối Internet di động trên toàn quốc.
Công nghệ thông tin tạo đà cho bưu chính phát triển
Bưu điện Việt Nam là đơn vị có cơ sở hạ tầng bưu chính lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Cùng với những thế mạnh về mạng lưới vận chuyển rộng khắp, phương tiện vận chuyển đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào, công nghệ thông tin chính là nền tảng và công cụ đắc lực giúp nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng khai thác, khả năng cung cấp dịch vụ đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng.
Để đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn hàng và giao hàng cũng như chuyên nghiệp hóa việc tổ chức sản xuất trong giai đoạn ngành Logistics và thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ như hiện nay, thời gian qua, Bưu điện Việt Nam đã mở rộng hệ thống dây chuyên khai thác, chia chọn tự động tại các trung tâm khai thác vận chuyển với công suất hàng chục nghìn bưu gửi/giờ, đáp ứng được tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng bưu gửi trên 30%, đảm bảo chất lượng dịch vụ và cập nhật thông tin tự động để hỗ trợ hoạt động điều hành kịp thời.
Mới đây nhất, Bưu điện Việt Nam cũng đã đưa vào vận hành thử nghiệm tủ phát hàng tự động Post Smart, cung cấp cho khách hàng thêm giải pháp nhận hàng chủ động, không tiếp xúc 24/7 nhằm gia tăng tiện ích và đảm bảo an toàn sức khỏe người nhận trong mùa dịch.
Ngoài những ứng dụng công nghệ thông tin trong mạng lưới, thời gian qua, Bưu điện Việt Nam cũng đã triển khai nhiều ứng dụng khác như mã địa chỉ bưu chính Vpostcode, bản đồ số Vmap, sàn giao dịch vận tải… nhằm đem lại lợi ích cho doanh nghiệp bưu chính và nhiều lĩnh vực khác trong đời sống, xã hội, trở thành cánh tay nối dài của các cấp chính quyền cũng như một phần động lực để phát triển kinh tế – xã hội.
Sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử và bán lẻ
Trong khi nhiều ngành kinh tế khác khó khăn, chật vật xoay sở do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 thì thương mại điện tử lại có những điểm sáng và tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu ấn tượng.
Thực tế này không phải là ngoại lệ của Việt Nam mà là bức tranh chung, phản ánh rất trung thực một xu thế phát triển được ghi nhận trên toàn cầu. Trước những thách thức trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giai đoạn 2020 – 2021, Việt Nam chứng kiến nhiều chuyển biến trong hành vi, thói quen mua sắm của người tiêu dùng cũng như mô hình kinh doanh trực tuyến của doanh nghiệp trong cả nước.
Với những tiện ích và cơ sở hạ tầng sẵn có, từ tháng 8/2021, một sàn thương mại điện tử đã chính thức mở gian hàng “đi chợ online” phục vụ người dân TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Điều này góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu hàng hóa của thành phố đông dân nhất nước, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các siêu thị bị dồn ứ hàng hóa và đội ngũ shipper công nghệ mới được hoạt động trở lại. Khách hàng có nhu cầu mua lương thực, thực phẩm, chỉ cần truy cập vào trang web, lựa chọn mặt hàng theo nhu cầu, điền địa chỉ nhận hàng và thanh toán trực tuyến.
Sau khi nhận được yêu cầu mua hàng của người tiêu dùng qua sàn Vỏ Sò, đơn vị sẽ tiến hành gom đơn. Nguồn cung hàng hóa được lấy từ kho hàng của đơn vị và từ các siêu thị, chợ đầu mối, các tiểu thương trong khu vực lân cận để có thể giao hàng ngay trong ngày. Tất cả sản phẩm được Viettel Post mua hộ đều có đầy đủ giấy tờ đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Không chỉ dừng ở tiêu thụ sản vật trong nước, tháng 6/2021, dưới sự hỗ trợ của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Viettel Post đã xuất khẩu thí điểm thành công hơn 4 tấn vải thiều Bắc Giang sang thị trường châu Âu. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện xuất khẩu theo phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới trên nền tảng thương mại điện tử “Make in Việt Nam”.
Bên cạnh việc đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm, doanh nghiệp cho biết, quy trình giao – nhận hàng an toàn cũng được đặc biệt chú trọng. Đội ngũ nhân viên giao hàng đã được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 và thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m với người dân, phun khử khuẩn hàng hóa trước khi giao…
Mặc dù gặp ảnh hưởng tiêu cực trong năm 2021 do đại dịch COVID-19, thương mại điện tử Việt Nam vẫn có những bước tăng tốc mạnh mẽ, trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số. Theo tính toán của các tập đoàn lớn thế giới như Google, Temasek và Bain&Company, nhiều khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/5/2020, phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, các giải pháp hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử để các doanh nghiệp có khả năng chống chọi với dịch bệnh COVID-19 đang là nhóm giải pháp được ưu tiên triển khai để có bức tranh tổng quan về tình hình ứng dụng thương mại điện tử trong cộng đồng và doanh nghiệp.
Năm 2021 đánh dấu sự bùng nổ của thương mại điện tử và bán lẻ. Ảnh minh hoạ
Hình thành xu hướng du lịch “không chạm”
Nhu cầu và hành vi của khách hàng đã thay đổi nhanh chóng, mua tận nơi bán tận cửa đã là mối nguy tiềm ẩn của dịch bệnh. Từ mô hình mua hàng offline, giao dịch trực tiếp, người tiêu dùng dần ưa chuộng hình thức trực tuyến qua thương mại điện tử, website, mạng xã hội nhiều hơn.
Trước tác động của dịch COVID-19, không chỉ các cá nhân hướng dẫn viên du lịch tự học hỏi để chuyển đổi, thích ứng mà cả ngành du lịch cũng đang tìm hướng đi mới, trong đó an toàn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Để thích ứng, những người làm du lịch đã có nhiều ý tưởng sáng tạo, phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo. “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” là một sản phẩm du lịch sáng tạo nhằm kích cầu du lịch nội địa, mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.
Du lịch không chạm được coi là xu hướng tất yếu để hạn chế sự tiếp xúc, ngăn ngừa dịch bệnh. Không chạm khi đi du lịch không chỉ là hạn chế tiếp xúc giữa người với người, giữa con người với các vật dụng, bề mặt mà còn là trải nghiệm du lịch với các thiết bị và công nghệ tự động hóa. Từ việc đặt chỗ, đặt tour online, trải nghiệm du lịch thực tế ảo trước khi đặt gói…, du lịch không chạm phổ biến với mọi người nhờ các thiết bị công nghệ như quét QR để đọc thông tin, thanh toán dịch vụ, điều khiển các thiết bị phòng bằng smartphone.
Rõ ràng, những khó khăn đối với ngành du lịch toàn cầu vẫn còn chồng chất. Tuy nhiên, những nỗ lực thích ứng trong thời gian gần đây của du lịch đã cho thấy những tín hiệu lạc quan, được kỳ vọng sẽ góp phần làm “tan băng”, thích ứng và khôi phục nền kinh tế. Các chuyên gia cũng đưa ra nhận định, du lịch được dự báo là ngành kinh tế có khả năng phục hồi nhanh nhất sau đại dịch.
Chính phủ đã chuyển hướng rất kịp thời, linh hoạt từ chủ trương “Zero COVID-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt để nỗ lực đạt được 2 mục tiêu là kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phát triển kinh tế – xã hội. Không sợ COVID-19 là cách sống mới mà chúng ta cần chấp nhận. Thích ứng linh hoạt, sống chung với dịch bệnh một cách chủ động, khoa học, cũng có thể hiểu là chiến thắng đại dịch.
Bảo Lâm