An toàn vốn của các ngân hàng tại Việt Nam đang tiệm cận với tiêu chuẩn thế giới
Năm 2022, có sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ an toàn vốn giữa các ngân hàng, đáng chú ý, một số ngân hàng ghi nhận tỷ lệ an toàn vốn trên 15%, thậm chí là trên 17% dù yêu cầu tối thiểu chỉ ở mức 8%.
Theo cập nhật gần đây của Ngân hàng Nhà nước, tổng vốn tự có của các ngân hàng thương mại Nhà nước áp dụng Thông tư 41 là hơn 400.000 tỷ đồng, tăng 15,23% so với đầu năm 2022. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 9,04%. Các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam còn có tỷ lệ an toàn vốn khá cao, đạt 18,61%, còn một số ngân hàng thương mại Việt Nam ghi nhận tỷ lệ an toàn vốn ở mức rất cao trên 15%, gấp khoảng 2 lần so với yêu cầu tối thiểu 8%.
GS.TS. Trần Thọ Đạt, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhận định: “Hệ thống ngân hàng thương mại ngày càng tiến tới các chuẩn mực quốc tế, là điều kiện tiên quyết để đảm bảo giảm thiểu rủi ro mang tính hệ thống trong ngân hàng”.
Hiện nay, tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng được tính theo Thông tư 41 năm 2016 tiếp cận chuẩn mực quốc tế Basel II, được quy định tối thiểu là 8%. Theo đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025”, ngành ngân hàng phấn đấu đến năm 2023 tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại đạt tối thiểu 10 – 11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11 – 12%. Hiện đã có gần 20 ngân hàng thương mại được công nhận đạt chuẩn Basel II về các chuẩn mực an toàn vốn quốc tế. Nhưng để nâng cao khả năng đảm bảo thanh khoản, ổn định hệ thống, cũng đã có gần chục ngân hàng trong đó chủ động áp dụng sớm, nâng cấp lên theo chuẩn Basel III.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng An Bình Abbank cho rằng: “Chủ động các chỉ số này giúp ngân hàng phát hiện những rủi ro về lãi suất có thể phát sinh, từ đó kịp thời điều chỉnh sản phẩm, bổ sung nguồn vốn, cân đối chênh lệch kỳ hạn giữa tài sản và nguồn vốn, giúp các ngân hàng tăng cường sức khoẻ”.
Theo công ty Chứng khoán VNDirect, hệ số an toàn vốn đã ghi nhận cải thiện tốt trong những năm gần đây, khi các ngân hàng đang từng bước tiến tới những tiêu chuẩn của Basel III và xây dựng một bộ đệm vốn vững chắc cho việc tăng trưởng tín dụng trong tương lai.
Được biết, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu được viết tắt là Capital Adequacy Ratio (CAR) hay còn được gọi là hệ số an toàn vốn (CAR). Tỷ lệ an toàn vốn là một chỉ tiêu phản ánh mối quan hệ giữa vốn tự có với tài sản có điều chỉnh rủi ro của ngân hàng thương mại.
Theo thông tư 41/2016/TT-NHNN thì CAR được tính theo công thức:
Trong đó: C: Vốn tự có; RWA: Tổng tài sản tính theo rủi ro tín dụng; K(OR): Vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động; K(MR): Vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường.
Tỷ lệ an toàn vốn là thước đo cơ bản để nhà quản lý (NHTW) đánh giá sự lành mạnh về tài chính của ngân hàng. Nếu một ngân hàng bị NHTW cho là không đảm bảo vốn chủ sở hữu, thì ngân hàng này xem như không còn khả năng hoạt động bình thường và buộc phải đóng cửa.
Căn cứ tỷ lệ an toàn vốn, người ta xác định được khả năng thanh toán các khoản nợ có thời hạn và hấp thụ các rủi ro khác. Do đó, ở các nước, cơ quan quản lý luôn xác định và giám sát các ngân hàng phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.
Hiện nay, theo chuẩn mực Basel II được các hệ thống ngân hàng trên thế giới áp dụng phổ biến thì CAR là 8%. Ở Việt Nam, theo thông tư 36/2014/TT – NHNN, tỷ lệ này được quy định là 9%. Đến cuối năm 2016, NHNN ban thành thông tư số 41/2016/TT – NHNN giảm tỷ lệ tối thiểu xuống 8% như quy định của Basel II , thông tư có quy định thời hạn áp dụng là 01/01/2020.
Bảo Linh (t/h)