An toàn thông tin mạng là điều kiện tiền đề để chuyển đổi số thành công
Tại Hội thảo các chuyên gia đã tập trung vào phân tích thực trạng, nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ, giải pháp an toàn thông tin phục vụ cho chuyển đổi số và an toàn thông tin cho giai đoạn thích ứng với dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Muốn an toàn thì phải ý thức về sự không an toàn. Càng ý thức cao về sự không an toàn thì càng an toàn”.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. |
Theo Bộ trưởng, trung bình mỗi năm, mỗi người trên toàn cầu bị 3 – 4 cuộc tấn công mạng. Chúng ta có trên 90 triệu máy điện thoại thông minh, hàng chục triệu PC, laptop, máy tính bảng nhưng đa số các thiết bị cá nhân này chưa được cài phần mềm bảo vệ. Chúng ta có gần 3 triệu camera và đã có những hình ảnh riêng tư bị lộ lọt trên mạng. Rất nhiều camera chưa được đánh giá an toàn thông tin và chưa được cài đặt chức năng bảo mật.
Trên thế giới, mới có 60% dự án phát triển phần mềm áp dụng quy trình Phát triển – An toàn thông tin – Vận hành. Ở Việt Nam, con số này còn thấp hơn nhiều. Vì vậy mà còn rất nhiều những lỗi lập trình sơ đẳng đã gây mất an toàn thông tin nghiêm trọng, nếu những phần mềm này là các nền tảng số quốc gia thì hậu quả là rất lớn.
Lừa đảo trực tuyến tăng mạnh trong giai đoạn Covid vừa qua khi chuyển đổi số được thúc đẩy. Thế giới có hơn 2 triệu website lừa đảo. Ở Việt Nam, từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021, Cục An toàn thông tin đã phát hiện và xử lý 816 website lừa đảo giả mạo ngân hàng.
Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề cập đến những yếu tố quan trọng để bảo đảm an toàn thông tin như: Ý thức về an toàn thông tin, tăng cường sử dụng công nghệ số để chống lại sự lộ lọt thông tin, chấp nhận rủi ro, phải có các sản phẩm an toàn thông tin Make in Vietnam, mọi nền tảng số quốc gia phải được phát triển an toàn, được đánh giá an toàn và được sử dụng an toàn. Cùng với đó là an toàn trong việc thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân, phải tăng cường hợp tác quốc tế, thường xuyên truyền thông về an toàn thông tin đến người dân.
“Muốn an toàn thì phải dùng nhiều hơn chứ không phải không dùng hay dùng ít đi. Lộ lọt thông tin vẫn có thể xảy ra nhưng cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro lại là tăng cường sử dụng công nghệ số chứ không phải là không dùng. Muốn an toàn thì phải làm cho chuyển đổi số quốc gia an toàn. Chuyển đổi số quốc gia bao gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Ngày An toàn thông tin năm nay, tôi yêu cầu cần làm rõ, đảm bảo an toàn thông tin cho các nền tảng số quốc gia như thế nào, đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử, đảm bảo an toàn cho các thiết bị truy cập Internet của người dân. Không chỉ là nhận thức nữa mà phải là làm như thế nào một cách thiết thực, hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Nguồn: Báo lao động thủ đô