An toàn, sáng tạo từ mô hình “chợ kiểu mới”
Những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, không chỉ người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội, mà người tiêu dùng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đều gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, việc hạn chế ra đường, kiểm soát lượng người đến mua sắm tại các chợ dân sinh, siêu thị… khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng.
Chợ lưu động là mô hình mới, sáng tạo giúp cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm cho người dân tại khu vực bị giãn cách, cách ly. |
Là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 ở Việt Nam, thành phố Hà Nội cũng phải gánh chịu những khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh. Đặc biệt, những ngày vừa qua khi dịch Covid-19 đã “tấn công” vào một số chợ truyền thống, chợ đầu mối, siêu thị trên địa bàn Thành phố như: Chợ đầu mối Phùng Khoang, Long Biên… khiến nhiều chợ, siêu thị phải dừng hoạt động.
Trong khi đó, với việc triển khai Chỉ thị số 17 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, cùng việc thực hiện giãn cách xã hội trên toàn Thành phố đã khiến không ít người dân Thủ đô vất vả trong việc đi chợ. Bởi thực tế, trong thời điểm giãn cách này người dân không thể di chuyển sang các chợ dân sinh lân cận để mua bán, do đó, việc mua thực phẩm gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng đó, để tạo điều kiện thuận lợi phục vụ nhu cầu mua sắm lương thực, thực phẩm cho người dân; đồng thời giảm áp lực cho các chợ dân sinh, mô hình siêu thị, chợ lưu động nhanh chóng được triển khai trên một số khu vực tại thành phố Hà Nội. Cùng với đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động tại các quận, huyện, thị xã nhằm phục vụ nhu cầu người dân mua sắm, đảm bảo nguồn cung hàng hóa không bị đứt gãy trong mọi bối cảnh, giúp cho người dân yên tâm và thực hiện nghiêm túc yêu cầu giãn cách xã hội.
Cụ thể, tại quận Long Biên, để triển khai mô hình “Chợ lưu động”, hệ thống siêu thị AEON ngay lập tức đã phối hợp cùng với chính quyền địa phương mở 4 điểm bán hàng lưu động bình ổn giá tại các khu dân cư như: Khu đô thị Việt Hưng, sân chơi phố Bắc Cầu (Ngọc Thụy), phố Đặng Vũ Hỷ (phường Thượng Thanh) và sân bóng đảo Sen. Điều đặc biệt là, tại các điểm bán hàng lưu động của hệ thống siêu thị này, các mặt hàng được niêm yết giá chi tiết và làm mới mỗi ngày.
Tại các chợ lưu động, giá các mặt hàng thực phẩm được niêm yết rõ ràng giúp người dân thoải mái lựa chọn |
Tương tự tại quận Cầu Giấy, ngay sau khi chợ Đồng Xa (chợ dân sinh lớn nhất tại phường) phải tạm dừng hoạt động do phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2, Ủy ban nhân dân phường Mai Dịch ngay lập tức đã bố trí 2 điểm chợ lưu động để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, đặt tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao phường Mai Dịch và sân thể thao B5. Tại 2 điểm chợ này, lực lượng chức năng đã bố trí các gian hàng cung cấp các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống và thực phẩm khô với giá bằng giá bán tại siêu thị để phục vụ nhu cầu người dân, cũng như đảm bảo công tác phòng chống dịch được an toàn.
Là người dân trực tiếp bị ảnh hưởng khi chợ Đồng Xa phải đóng cửa để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch, cũng như tham gia mua sắm trực tiếp tại chợ lưu động do phường Mai Dịch tổ chức, anh Hà Thanh Tùng, người dân tại phường Mai Dịch cho biết, sau khi có thông tin phát hiện ca F0 tại chợ Đồng Xa và chợ này đã phải đóng cửa để thực hiện các biện pháp phòng dịch, là người dân sinh sống tại địa bàn chúng tôi cũng như rất nhiều người cảm thấy lo lắng vì không biết sẽ phải mua sắm lương thực, thực phẩm ở đâu. Tuy nhiên, chính quyền địa phương ngay lập tức đã vào cuộc kịp thời và mở 2 điểm chợ lưu động phục vụ nhu cầu của người dân, giúp người dân giải tỏa sự lo lắng nhanh chóng.
“Mặc dù các mặt hàng không phong phú như tại chợ Đồng Xa mỗi ngày, tuy nhiên các mặt hàng thiết yếu như: gạo, rau, thịt… khá đầy đủ và giá bán không có sự thay đổi nhiều, thậm chí bằng với giá bán tại các siêu thị. Trong khi đó, việc đảm bảo an toàn cho người dân đến mua sắm được triển khai rất kỹ lưỡng như sát khuẩn, đo thân nhiệt khiến nhiều người yên tâm. Trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp như thế này, việc triển khai mô hình chợ lưu động là rất cần thiết. Vừa tuân thủ quy định phòng dịch, mà không phải đi đâu xa chúng tôi vẫn có thể mua đầy đủ sản phẩm giống như tại siêu thị”, anh Tùng chia sẻ.
Không chỉ cung cấp kịp thời các mặt hàng thiết yếu, chợ lưu động còn đảm bảo công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho người dân khi đến mua hàng. |
Không chỉ triển khai mô hình “Chợ lưu động”, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều quận trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Tây Hồ, Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Hà Đông…chính quyền địa phương đã triển khai mô hình phát thẻ vào chợ cho người dân theo nguyên tắc, chỉ được sử dụng thẻ để vào chợ mua các nhu yếu phẩm cần thiết theo quy định; quy định giờ và ngày ra vào chợ, dùng cho 1 người/lượt. Cùng với đó, khi đến các siêu thị, chợ lưu động, người dân phải tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bao gồm: Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, khai báo y tế, đảm bảo giãn cách khi mua hàng.
Chia sẻ về việc hỗ trợ người tiêu dùng thông qua các mô hình “chợ kiểu mới” trong thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, mặc dù ngành Công Thương đang đẩy mạnh mô hình đưa nhu yếu phẩm lên sàn thương mại điện tử và giao hàng tại nhà trong thời điểm nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng hình thức này đang bị hạn chế do chính sách kiểm soát chặt chẽ về giao thông. Bởi vậy, việc triển khai các điểm bán hàng lưu động là cần thiết và rất hữu ích, qua đó không chỉ góp phần giảm tải cho các chợ truyền thống và siêu thị, mà còn bảo đảm an toàn cho người dân khi mua sắm, hạn chế di chuyển và an toàn phòng dịch.
Cùng chung quan điểm với chuyên gia Vũ Vinh Phú, nhiều ý kiến của các chuyên gia, cơ quan quản lý và ý kiến thực tế của người tiêu dùng cũng cho thấy, việc triển khai kịp thời các mô hình “Chợ lưu động” ở Hà Nội, cũng như các mô hình chợ sáng tạo khác ở Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ như: “Đi chợ giùm dân”, “Siêu thị di động kiểu mới”… trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp là mô hình rất sáng tạo và cần được nhân rộng. Đặc biệt, khi đánh giá về mô hình “chợ kiểu mới” Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công Thương cũng cho biết, các mô hình mới này đã góp phần tích cực giúp thị trường ổn định, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, qua đó đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân tại các vùng dịch.
Nguồn: Báo lao động thủ đô