An toàn lao động tại làng nghề: Ý thức trách nhiệm của người lao động là tiên quyết

Theo quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, hiện nay Hà Nội có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề chiếm 56% số làng ở khu vực nông thôn. Trong đó số làng nghề đã đăng ký và được Thành phố công nhận và cấp bằng là 297 làng nghề.

An toàn lao động tại làng nghề: Ý thức trách nhiệm của người lao động là tiên quyết
Để đảm bảo an toàn lao động tại các làng nghề, yếu tố tiên quyết xuất phát từ ý thức chấp hành các quy định đảm bảo an toàn của người lao động và chủ sử dụng lao động. (Ảnh minh hoạ)

Với quy mô như vậy Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với đa dạng các ngành nghề. Hoạt động sản xuất làng nghề của Hà Nội đã thu hút được gần 1 triệu lao động tham gia sản xuất với khoảng 700.000 lao động thường xuyên chiếm 42% tổng số lao động sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên toàn Thành phố.

Tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội nhiều năm nay đã có sự đổi mới phương thức sản xuất và cải thiện điều kiện làm việc từ thủ công sang sử dụng những kỹ thuật khoa học tiên tiến vào sản xuất, nhờ đó góp phần tăng năng suất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề, nhưng đi liền với đó là nguy cơ tiềm ẩn rủi ro, tai nạn lao động luôn cận kề.

Điều đáng nói hầu hết điều kiện lao động ở các làng nghề đều không đạt tiêu chuẩn như độ ồn, ánh sáng, độ rung, độ ẩm, nhiệt độ cao. Các nguy cơ mà người lao động tiếp xúc ở tỷ lệ cao: 95% tiếp xúc với bụi, 85,9% tiếp xúc với nhiệt, 59,6% tiếp xúc với hóa chất. Nhiệt độ tại khu vực sản xuất của các làng nghề làm bún bánh, tái chế nhựa, giấy đều lớn hơn nhiệt độ môi trường từ 4 – 10 độ C…

Có những bất cập tồn tại nêu trên bởi lẽ tại các làng nghề, bên cạnh các nhà máy, xưởng sản xuất lớn thì vẫn còn nhiều hộ gia đình sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, mặt bằng sản xuất chật hẹp, ngay tại nhà, trong khu dân cư. Để tiết kiệm chi phí, thu nhiều lợi nhuận, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh vẫn chưa thật sự chú trọng đến việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, hầu hết người lao động không tham gia lớp tập huấn, hướng dẫn về bảo đảm an toàn lao động.

Trong quá trình làm việc, nhiều lao động không được trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện bảo hộ và bản thân họ cũng chưa thật sự quan tâm đến việc tự bảo vệ bản thân khỏi các rủi ro lao động. Phần lớn người lao động phải thường xuyên tiếp xúc các yếu tố khói bụi, tiếng ồn, hóa chất, họ phải đối diện với nhiều nguy cơ dẫn đến bỏng, đứt tay chân, điện giật, bệnh ngoài da…

Khảo sát tại một số làng nghề truyền thống, vấn đề an toàn lao động cũng đã và đang bị chủ sử dụng lao động, người lao động thờ ơ, không chú trọng quan tâm. Tại làng nghề sản xuất mây tre đan (thôn Phú Vinh, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), các hộ sản xuất tại đây đã chủ động hơn trong việc đảm bảo an toàn lao động tuy nhiên thực tế cho thấy, vẫn tồn tại sự chủ quan trong công tác đảm bảo an toàn lao động.

Chia sẻ về tình hình an toàn lao động tại làng nghề mây tre đan Phú Vinh, ông Nguyễn Văn Trung – Chủ tịch Hiệp hội mây tre Chương Mỹ cho biết, cách đây một vài năm đã có những doanh nghiệp xảy ra cháy nổ do chủ quan, không cẩn thận trong quá trình sản xuất.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động trong lĩnh vực này là vấn đề khó khăn với các doanh nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ bởi tình trạng trên hay đột biến và phụ thuộc phần lớn vào năng lực của lao động.

Theo ông Trung, hiện nay, việc phòng cháy chữa cháy tại các doanh nghiệp nhỏ có phần chủ động hơn so với trước. Các cơ quan phòng cháy chữa cháy đã tới từng doanh nghiệp để tư vấn, tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp đảm bảo về an toàn phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên vẫn chưa có nhiều những buổi tư vấn, do đó các chủ cơ sở sản xuất và người lao động chưa có nhiều kỹ năng để xử lý các vấn đề về an toàn lao động khi xảy ra sự cố bất ngờ.

Tương tự tại làng dệt xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức), theo ông Nguyễn Duy Trường – Chủ tịch Hội làng nghề, trên địa bàn xã vẫn xảy ra các vụ mất an toàn lao động, tuy nhiên phần lớn là những lỗi do sai sót trong quy trình sản xuất, vận hành máy móc, may mắn các vụ tai nạn đa phần không quá nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn đa phần thường tuân thủ và có đầy đủ các chứng chỉ về an toàn lao động, các hệ thống máy sản xuất có chứng chỉ vận hành và kiểm định về an toàn tuy nhiên các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ, họ thường để máy sản xuất trong nhà do đó gặp khó khăn trong việc kiểm tra cũng như phổ biến các quy định về an toàn.

“Người dân do nhận thức còn hạn chế, khi được báo đi tham gia các lớp tập huấn, phổ biến về an toàn lao động nhiều người không tham gia vì sợ mất thời gian. Về công tác phòng cháy, chữa cháy nhiều hộ dân để bụi bám vào các thiết bị máy móc do đó tiềm ẩn nguy cơ. Đầu tư những quy trình đảm bảo an toàn lao động rất tốn kém, đa phần chỉ những doanh nghiệp có quy mô sản xuất tương đối, họ mới chú trọng đến công tác an toàn lao động”, ông Trường cho hay.

Từ những bất cập nêu trên, thiết nghĩ để đảm bảo an toàn lao động tại các làng nghề đòi hỏi sự quan tâm, triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp từ chính quyền địa phương, thường xuyên kiểm tra, xử lý triệt để những cơ sở sản xuất vi phạm các quy định về an toàn lao động. Song song với đó, chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động trên cơ sở thực hiện đúng những quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động hiện hành.

N.Hoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích