An ninh quốc phòng trong kỷ nguyên số và quân sự nền tảng
Chúng ta đều biết, giữ gìn hòa bình là một trong những vấn đề quan trọng và ưu tiên hàng đầu đối với các quốc gia và toàn thế giới. Bên cạnh công cụ ngoại giao, hòa bình chỉ được duy trì bởi các chiến lược quốc phòng mạnh mẽ dựa trên các loại vũ khí đủ sức răn đe… trong kỷ nguyên số và quân sự nền tảng (platform military), các nền tảng được nối mạng đã trở nên quan trọng đối với các hoạt động quân sự, giúp củng cố hoạt động tác chiến, xử lý dữ liệu và chia sẻ thông tin trên cơ sở toàn cầu với độ chính xác cao.
Việt Nam là một đất nước có không gian và dải đất trải dài trên bờ Biển Đông. Hiện nay, theo Sách Trắng “Quốc phòng Việt Nam 2019”, bên cạnh những thách thức an ninh trên đất liền, khu vực Biển Đông còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương áp đặt dựa trên sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế và các hoạt động quân sự hóa của nước ngoài, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Từ khi thành lập Nhà nước dân chủ mới, Việt Nam chú trọng xây dựng quân đội về tổ chức, biên chế và nguồn nhân lực chất lượng cao. Chiến lược quốc phòng của chúng ta dựa trên sức mạnh nội lực của dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, sức mạnh của độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Đặc biệt, trong cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định nguyên tắc: Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa nhiệm vụ quốc phòng, quân sự với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chiến tranh từ sớm, từ xa, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”.
Nhằm góp phần xây dựng hoàn thiện một chiến lược an ninh quốc phòng trong kỷ nguyên của quân sự nền tảng, cần nghiên cứu sâu ba nội dung:
Quân sự nền tảng (platform military): Sự phức tạp ngày càng tăng của hoạt động quân sự (số lượng lớn các bên tham gia, lượng dữ liệu khổng lồ và môi trường địa lý phức tạp, thậm chí bên ngoài biên giới quốc gia) đòi hỏi phải sử dụng rộng rãi các thuật toán. Ngày nay kỹ thuật số và các ứng dụng dựa trên dữ liệu ở thời gian thực trở thành nền tảng để tăng cường các hoạt động quân sự. Việc sử dụng các cảm biến và mạng vệ tinh để thu thập, truyền tải và xử lý lượng dữ liệu khổng lồ đã trở nên quan trọng để kết nối các miền đất liền, biển và không gian. Trong chiến tranh hiện đại, dữ liệu thúc đẩy vòng lặp OODA – “Observation – Orientation – Decision – Action” (quan sát – định hướng – quyết định – hành động), vì vậy cần xây dựng một chiến lược quân sự nền tảng tiêu chuẩn theo ba hướng chủ đạo:
(1) Xây dựng đám mây quân sự phòng thủ nhằm phân tích và chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực từ trung tâm chỉ huy đến chiến trường, đẩy nhanh chu kỳ ra quyết định trong quá trình phát triển của chiến tranh hiện đại;
(2) Phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI) để thu thập dữ liệu trên AIP – “Artifitial Intelligence Platform” (Nền tảng trí tuệ nhân tạo). AIP cung cấp cho các nhà điều hành quân sự mạng liên lạc riêng nhằm quản lý tốt hơn các tài nguyên chiến trường thông thường (chẳng hạn như máy bay không người lái, hình ảnh vệ tinh, chuỗi cung ứng, v.v…);
(3) Tác chiến với tốc độ dữ liệu: Khi dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng thì sự cạnh tranh giữa tốc độ truyền tải của dữ liệu và tốc độ hành động, xử lý thông tin của con người cũng tăng theo dẫn đến việc phải đẩy nhanh vòng lặp OODA tới tốc độ vượt quá khả năng của con người. Đây có lẽ là thách thức lớn nhất trong việc phát triển quân sự nền tảng trong tương lai.
Xu hướng công nghệ vũ khí: Hiện nay quy mô và tốc độ thay đổi công nghệ đương đại là chưa có tiền lệ. Sự bùng nổ sáng tạo rộng lớn trong các ứng dụng về robot, bộ lưu trữ pin, viễn thông không gian, điện toán đám mây và AI… đang định hình lại trật tự toàn cầu. Có thể điểm qua 5 xu hướng cơ bản định hình thị trường vũ khí trong kỷ nguyên quân sự nền tảng:
(1) Tên lửa siêu thanh có thể đạt hoặc vượt quá Mach 5 – di chuyển với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh;
(2) Internet vạn vật quân sự (IoMT): bao gồm nhiều loại thiết bị kết nối internet cho phép chia sẻ dữ liệu liền mạch trong toàn bộ lực lượng chiến đấu;
(3) Hệ thống không người lái: Ngoài phương tiện bay không người lái (UAV), hiện đang có sự gia tăng nhu cầu về phương tiện không người lái trên mặt nước (USV) và phương tiện không người lái dưới nước (UUV) vì chúng có thể thực hiện các nhiệm vụ quan trọng mà không gây nguy hiểm đến tính mạng của quân nhân;
(4) Đào tạo thực tế ảo (Virtual reality – VR) là một phần rất quan trọng trong chương trình phát triển đào tạo và huấn luyện của quân đội hiện đại;
(5) Chiến tranh mạng (Cyber warfare – CW) đang được sử dụng trong quá trình gia tăng số hóa của quân đội các nước trên khắp thế giới.
Công nghệ lưỡng dụng: Quá trình khai thác các công nghệ dân sự tiên tiến cho mục đích quân sự được gọi là MCF – “Military-civil fusion” (Giao thoa quân sự – dân sự). MCF về cơ bản là chuyển giao các công nghệ thương mại tiên tiến sang sử dụng trong quân sự thông qua việc phát triển quân sự-dân sự chung và ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào các sản phẩm quân sự. Một nền quốc phòng được tổ chức tốt, phát triển và liên kết chặt chẽ với công nghiệp dân dụng là công cụ không thể thiếu để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Không chỉ lực lượng vũ trang, an ninh mà công nghiệp nói chung và công nghiệp quốc phòng nói riêng cũng là một bộ phận cấu thành chính của nền quốc phòng toàn dân. Chính vì vậy, phát triển sản xuất công nghiệp dân sự liên kết với ngành công nghiệp quốc phòng phải là trọng tâm trong các chính sách phát triển kinh tế để tạo ra các sản phẩm lưỡng dụng.
Ngoài ra, trong bối cảnh trật tự toàn cầu đang thay đổi, sẽ không có quốc gia nào độc quyền về công nghệ kỹ thuật số, nên các công nghệ quân sự trong tương lai có thể sẽ phát triển nhanh chóng trên một thị trường toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia phải vừa cạnh tranh và vừa hợp tác mạnh mẽ ở cả cấp độ chính phủ và doanh nghiệp trên bình diện quốc tế.
Theo Báo Chính phủ
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu