Ẩn họa từ mua bán trái phép rác thải công nghiệp

Ẩn họa từ mua bán trái phép rác thải công nghiệp

MTĐT –  Thứ tư, 15/02/2023 10:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo quy định của pháp luật, việc thu gom, xử lý rác thải công nghiệp (đặc biệt là loại nguy hại) phải được thực hiện nghiêm theo quy định.

Theo quy định của pháp luật, việc thu gom, xử lý rác thải công nghiệp (đặc biệt là loại nguy hại) phải được thực hiện nghiêm theo quy định. Song trên thực tế, nhất là ở các khu, cụm công nghiệp (CN) của tỉnh Bắc Giang, tình trạng thu mua loại phế thải này diễn ra khá phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Nhan nhản cơ sở thu gom phế liệu “chui”

Rác thải CN là các loại chất thải do nhà máy, xí nghiệp thải ra từ quá trình sản xuất, kinh doanh, gồm 2 loại là nguy hại và thông thường ít nguy hại. Trong đó, loại nguy hại thường ở dạng lỏng hoặc khí, có khả năng gây cháy nổ, nhiễm độc ảnh hưởng tới sức khoẻ con người nếu không may hít phải. Loại thông thường chủ yếu là kim loại, sắt thép, cao su, nhựa… (gọi chung phế liệu) có khả năng tái chế sử dụng.

Theo Luật Bảo vệ môi trường hiện hành, việc thu mua phế liệu nói chung, rác thải CN nói riêng phải bảo đảm các tiêu chí cụ thể. Trước hết phải có giấy phép kinh doanh, có đủ kho bãi đạt chuẩn để chứa, có giấy xác nhận về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền cung cấp; cam kết bảo vệ môi trường… Đối với các loại rác thải CN nguy hại đòi hỏi phải được thu gom, xử lý theo quy trình nghiêm ngặt từ nơi phát sinh nguồn thải tới khâu phân loại, vận chuyển đưa đi xử lý trước khi thải ra môi trường.

Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, ẩn họa, mua bán trái phép, rác thải công nghiệp
Điểm thu mua phế liệu “chui” cạnh đường gom cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, đoạn qua thị trấn Nếnh (Việt Yên).

Tuy nhiên, qua một số vùng ven khu công nghiệp (KCN) của tỉnh như: Vân Trung, Đình Trám, Quang Châu, Song Khê – Nội Hoàng… chúng tôi thấy các cơ sở thu gom phế liệu treo biển thu mua sắt, thép, kim loại, đồ điện tử… thậm chí cả dầu thải nguy hại. Dễ thấy là phần lớn các điểm thu mua này đều tạm bợ, được quây tôn, bạt sơ sài, phần đa không có mái che chắn.

Theo thống kê tại 8 huyện, TP của tỉnh (chưa tính các huyện Sơn Động, Lục Nam), đến tháng 11/2022, tại các địa phương này có 521 cơ sở thu, gom phế liệu. Trong đó, số đăng ký kinh doanh, cam kết bảo vệ môi trường chiếm chưa đến 50%, còn lại hầu hết là các cơ sở “chui”, không bảo đảm điều kiện theo quy định. Riêng 2 huyện Việt Yên, Yên Dũng và TP Bắc Giang có 315 cơ sở. Nhiều nhất là Việt Yên 180 cơ sở, tập trung chủ yếu ở các khu, cụm CN.

Thống kê tại 8 huyện, TP của tỉnh (chưa tính các huyện Sơn Động, Lục Nam), đến tháng 11/2022, có 521 cơ sở thu, gom phế liệu. Trong đó, số đăng ký kinh doanh, cam kết bảo vệ môi trường chiếm chưa đến 50%, còn lại hầu hết là các cơ sở “chui”. Riêng 2 huyện Việt Yên, Yên Dũng và TP Bắc Giang có 315 cơ sở. Nhiều nhất là Việt Yên 180 cơ sở, tập trung ở các khu, cụm CN.

Ông Thân Ngọc Hoàn, Chủ tịch UBND xã Nội Hoàng (Yên Dũng) cho biết: “Qua kiểm tra, rà soát, phát hiện trên địa bàn có 13 cơ sở thu gom phế liệu không đủ điều kiện. Đơn vị đã lập biên bản xử lý vi phạm 10 trường hợp, chủ yếu với các lỗi như: Không có giấy phép đăng ký kinh doanh, cam kết bảo vệ môi trường, không có kho bãi chứa phế liệu theo quy định; thu mua, bảo quản một số loại phế liệu dễ cháy nổ chưa đúng… Trong đó, 2 cơ sở thu mua cả dầu thải đựng trong thùng phi, can nhựa”.

Thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), trên địa bàn tỉnh hiện có 8 doanh nghiệp (DN) được phép thu gom chất thải CN (6 đơn vị trong tỉnh, 2 ngoài tỉnh); 23 DN vận chuyển, xử lý chất thải CN (nhưng chỉ có một đơn vị trong tỉnh, còn lại ngoài tỉnh). Ngoài con số trên, các cơ sở không có chức năng, không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép mà tham gia thu gom, vận chuyển, tiếp nhận, xử lý chất thải CN là hoạt động trái phép.

Tăng cường quản lý

Trong vai người môi giới bán nguồn rác CN số lượng lớn, chiều tối 9/2, phóng viên đi dọc tuyến đường gom hai bên đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang qua các xã, thị trấn như: Tăng Tiến, Nếnh, Quang Châu, Vân Trung (Việt Yên); Nội Hoàng (Yên Dũng); Song Khê (TP Bắc Giang) thấy nhiều điểm thu gom phế liệu san sát nhau đều bật đèn phản quang sáng quắc. Theo người dân địa phương, hoạt động thu mua phế liệu ở KCN từ cuối chiều đến tối mới sôi động. Không ít công nhân đi làm về xách túi đồ rẽ vào một cơ sở phế liệu gần đường chớp nhoáng rồi trở ra tay không.

Khi ghé một cơ sở thu mua phế liệu tạm, đoạn qua tổ dân phố Yên Ninh, thị trấn Nếnh chào bán dầu thải và phoi nhôm dính dầu số lượng lớn, cô chủ cơ sở khoảng 30 tuổi nhiệt tình giới thiệu giá mua từng loại từ thép, sắt, đồng, nhôm, dầu máy thải ra…; mức cắt “hoa hồng” cho người môi giới, đồng thời khẳng định: “Nhôm sạch thì giá cao, chứ hàng dính dầu sẽ thấp hơn 4-5 giá. Chị yên tâm đi, em đã nhiều lần mua hàng này của các DN trong KCN quanh đây rồi. Bán cho đơn vị có chức năng thu gom, xử lý giá thường thấp nên có cơ hội là họ “tuồn” cho tụi em. Chị thích giao hàng ở đâu, thời điểm nào cũng được kể cả buổi tối, ban đêm”. Nói rồi cô gái này còn giới thiệu điểm cân kín đáo, khu vực thuận lợi cho việc sang mặt hàng nhạy cảm, phương thức thanh toán… để tránh bị lực lượng chức năng phát giác, xử lý (?!).

Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, ẩn họa, mua bán trái phép, rác thải công nghiệp
Cơ sở phế liệu, đoạn giáp ranh giữa thị trấn Nếnh và xã Quang Châu (Việt Yên).

Qua cơ sở thu gom phế liệu ghi rõ biển thu mua dầu gần đấy, nghe nói đến nguồn dầu vài trăm lít, chủ cơ sở là một thanh niên trẻ hỏi luôn là hàng sạch hay bẩn rồi bảo: “Dầu xe hút ra thì giá gần 20 nghìn đồng/lít, còn dầu bẩn, nếu lượng từ 500 lít trở lên, trả hết giá là 5.500 đồng/lít. Số lượng ít hơn giá sẽ thấp hơn”. Nói về việc thu mua rác thải CN, anh N.V.H, chủ một cơ sở thu gom phế liệu ở xã Hương Gián (Yên Dũng) cũng thông tin đã một số lần thu mua được cả tấn rác thải CN của DN bán “chui”.

Theo ông Ngô Quang Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, việc các tổ chức, cá nhân không đáp ứng đủ điều kiện pháp luật quy định tham gia thu gom, vận chuyển, tiếp nhận, xử lý rác thải CN (nhất là loại nguy hiểm, độc hại như dầu mỡ thải) tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, để lại hệ lụy lâu dài cho xã hội. Vài năm trở lại đây, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử lý nhiều DN, cá nhân về hành vi tiếp nhận, chuyển giao, vận chuyển rác thải CN không đúng chức năng, thẩm quyền. Gần đây nhất, tháng 8/2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã xử phạt Công ty cổ phần Thương mại Sơn Thạch, trụ sở tại xã Nội Hoàng (Yên Dũng) hơn 400 triệu đồng về hành vi sử dụng nguyên liệu phoi tiện kim loại dính dầu là chất thải nguy hại, trong khi DN không có giấy phép theo quy định.

Được biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng và các địa phương tăng cường công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn, chất thải CN nguy hại. Tuy nhiên, thực tế nguồn thải này vẫn được giao dịch khá sôi động.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích