An Giang tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
An Giang tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) tăng cường phối hợp với sở, ngành, địa phương để nắm bắt và kịp thời tháo gỡ khó khăn, bất cập.
Theo đó, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp (DN), đề xuất tháo gỡ khó khăn của ngành, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và DN, góp phần thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh. Trong tháng 8, ngành TN&MT tham gia tiếp và làm việc với 18 lượt DN (từ đầu năm đến nay 135 lượt DN) để hỗ trợ, xử lý khó khăn, vướng mắc, cung cấp thông tin cho nhà đầu tư liên quan lĩnh vực TN&MT; đề xuất xử lý kịp thời đề nghị nhận chuyển nhượng đất để thực hiện 9 dự án phi nông nghiệp (lũy kế đã thực hiện 44 dự án).
Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn, chồng chéo, giúp nhà đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT trình UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 03/CT-UBND, ngày 23/5/2022 về thực hiện quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh An Giang; đang hoàn thiện dự thảo chỉ thị tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, gửi các sở, ban, ngành, địa phương đóng góp ý kiến.
Toàn ngành tiếp tục triển khai xây dựng dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh và quyết định của UBND tỉnh năm 2022 thuộc lĩnh vực TN&MT theo kế hoạch. Cụ thể, thực hiện 18 văn bản quy phạm pháp luật (8 nghị quyết, 9 quyết định theo kế hoạch và bổ sung 1 quyết định). Đến nay, đã hoàn thành, trình cấp thẩm quyền xem xét 11 văn bản, trong đó được phê duyệt 10 văn bản, 1 văn bản xin tạm dừng thực hiện…
Trong tăng cường cải cách thủ tục hành chính (TTHC), toàn ngành tiếp tục triển khai Kế hoạch 39/KH-STNMT, ngày 19/4/2022 về tuyên truyền thực hiện TTHC dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; xây dựng tài liệu, video hướng dẫn sử dụng đối với 5 thủ tục phát sinh nhiều hồ sơ (nhưng tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến thấp) để tổ chức, cá nhân thực hiện; đề xuất thí điểm 5 loại TTHC chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến.
Tháng 8, toàn ngành tiếp nhận 20.850 hồ sơ (lũy kế từ đầu năm đến nay 180.436 hồ sơ) thực hiện TTHC lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước; đã thực hiện xong đúng hạn 165.221 hồ sơ, trễ hạn 461 hồ sơ (0,3%), chủ yếu tại cấp huyện; đang thực hiện 14.754 hồ sơ.
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tiếp tục triển khai Chương trình quan trắc môi trường tỉnh An Giang năm 2022; tổ chức thu mẫu quan trắc định kỳ hàng tháng và công bố kết quả lên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Sở TN&MT; hoàn thành chương trình quan trắc xâm nhập mặn tỉnh An Giang năm 2022 và trình phê duyệt kế hoạch thực hiện năm 2023; ban hành Quy chế phối hợp, quản lý, vận hành và khai thác các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục do Sở TN&MT đầu tư; Quy chế phối hợp, quản lý, kết nối và khai thác dữ liệu từ các trạm quan trắc tự động, liên tục nguồn thải trên địa bàn tỉnh.
Đơn vị trình UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật, giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 599/QĐ-UBND, ngày 28/3/2022 của UBND tỉnh, bổ sung các xã thuộc lộ trình nông thôn mới và NTM nâng cao. Bàn giao đất và công trình thuộc dự án “Đóng cửa, xử lý ô nhiễm môi trường các bãi rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh An Giang” (giai đoạn 1) cho UBND huyện Châu Phú, An Phú, Phú Tân quản lý, khai thác theo chủ trương của UBND tỉnh; tiến hành kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra của 7/25 dự án, cơ sở được phê duyệt TTHC môi trường; kết quả kiểm tra công tác quản lý chất thải nguy hại đối với 2/4 cơ sở.
Đồng thời, tiếp tục lập “Đề án điều tra, đánh giá, xây dựng dự thảo kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh An Giang”; hoàn thiện công tác đấu thầu và giao thầu cho đơn vị trúng thầu (Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường) thực hiện “Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang”; tiếp tục đôn đốc đơn vị tư vấn thực hiện nhiệm vụ lập “Đơn giá quan trắc và phân tích môi trường trên địa bàn tỉnh An Giang”, hoàn thiện sản phẩm để trình thẩm định, phê duyệt; “Điều tra, thống kê lập danh mục loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh An Giang và đề xuất giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn”; thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh…
Tiếp tục hoàn thiện để trình phê duyệt và triển khai đề án “Điều tra hiện trạng phát thải thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp và đề xuất biện pháp quản lý trên địa bàn tỉnh An Giang”; “Nâng cao hiệu quả thu gom và năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh An Giang quy hoạch đến năm 2025, định hướng đến 2050”. Duy trì thu gom và xử lý rác thải với khối lượng trung bình 920 tấn/ngày (đạt 80%) trên địa bàn tỉnh; lũy kế từ đầu năm đến nay thu gom và xử lý 5,2 tấn bao, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; thu gom và xử lý 926,78 tấn chất thải nguy hại (99,7%) và 27 tấn chất thải trong sản xuất.
Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), Sở TN&MT An Giang hướng dẫn địa phương thực hiện một số chỉ tiêu môi trường, thuộc Bộ tiêu chí xã NTM và NTM nâng cao. Hoàn thành công tác kiểm tra các xã điểm NTM, NTM nâng cao; hoàn thành kết quả thẩm định của 10 xã NTM; phúc tra, đánh giá 6 xã NTM; tổ chức thẩm định, đánh giá mức độ đạt tiêu chí NTM nâng cao đối với xã Vĩnh Chánh (huyện Thoại Sơn), xã Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên), xã Tân Tuyến (huyện Tri Tôn) và xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú)…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị