An Giang: Đầu tư xây dựng đưa ngành Du lịch trở thành ngành động lực cho phát triển kinh tế
(Xây dựng) – An Giang được biết đến là Thất Sơn huyền bí, hùng vĩ, lễ hội vía bà Chúa Xứ Núi Sam, “Vương quốc mắm” Châu Đốc, sông nước hữu tình, thơ mộng gợi lòng khách du. Năm 2023, An Giang đón khoảng 8,5 triệu lượt khách đạt 106% so với kế hoạch năm, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu từ hoạt động du lịch khoảng 5.900 tỷ đồng, đạt 107% năm, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2022. An Giang nhiều năm liền là tỉnh dẫn đầu Đồng bằng sông Cửu Long về số lượng khách du lịch…
Núi Cấm điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng của An Giang. |
Trong thời gian qua, ngành Du lịch An Giang đã triển khai nhiều kế hoạch phát triển du lịch như: Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh An Giang; Kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025; Kế hoạch triển khai Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023; Kế hoạch tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Chương trình hành động số 300/CTr-UBND ngày 04/6/2021 của UBND tỉnh về phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 gồm Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…
Đồng thời, triển khai thực hiện Chương trình hành động phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025 thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đảm bảo chất lượng, hiện đại, tiện nghi, đồng bộ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Đến nay, An Giang có 97 cơ sở lưu trú du lịch (trong đó có 68 cơ sở được xếp hạng: 01 khách sạn 4 sao, 07 khách sạn 3 sao, 10 khách sạn 2 sao, 21 khách sạn 1 sao và 29 cơ sở đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ phục vụ khách du lịch); 22 công ty lữ hành, trong đó có 06 công ty lữ hành nội địa; 15 công ty lữ hành quốc tế, 01 đại lý du lịch; 05 khu, điểm du lịch được công nhận gồm 01 khu du lịch quốc gia, 01 khu du lịch cấp tỉnh và 03 điểm du lịch.
Song song với việc đầu tư xây dựng hạ tầng, An Giang đang tập trung thực hiện Chương trình số 553/CTr-UBND ngày 9/9/2021 của UBND tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang đã tham mưu triển khai một số nhiệm vụ phục vụ chuyển đổi số lĩnh vực du lịch, cụ thể: Đã phối hợp VNPT An Giang xây dựng Cổng thông tin du lịch: https://checkinangiang.vn/; Ứng dụng Du lịch thông minh Checkin An Giang, đưa sản phẩm lên kho ứng dụng Appstore và Google Play Store. Phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội hoàn thiện hạ tầng và đưa vào hoạt động hệ thống camera (56 Camera) giám sát an ninh và quảng bá du lịch tại một số địa điểm tham quan, du lịch. Qua đó đảm bảo an toàn, an ninh cho khách du lịch tại các Khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, giải quyết kịp thời đúng thẩm quyền khi phát sinh các trường hợp gây mất an ninh, trật tự, vi phạm pháp luật về du lịch, góp phần quản lý tốt về tình hình an ninh trật tự, giảm tệ nạn xã hội tạo niềm tin cho du khách khi đến An Giang.
Ngành Du lịch An Giang luôn chủ động quan tâm đến công tác vận động, khuyến kích doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh trong việc đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, khuyến khích, ưu tiên sử dụng nền tảng số trong quản trị và kinh doanh hoạt động du lịch, các nền tảng số về cung cấp các dịch vụ, sản phẩm du lịch, sử dụng trợ lý ảo, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong phục vụ hoạt động du lịch (website, trang Fanpage giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch; các ứng dụng, phần mềm quản trị nhân sự, quản lý khách sạn, quản lý kế toán, thanh toán điện tử, trợ lý ảo)… Hiện nay, một số khách sạn, khu điểm du lịch của tỉnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển khoản và thẻ POS. Nhiều doanh nghiệp du lịch thực hiện khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, tra cứu nghĩa vụ thuế, đăng ký thuế… bằng phương thức điện tử trên hệ thống dịch vụ thuế điện tử (eTax, eTax Mobile) giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí và tăng cường công tác quản lý thuế doanh nghiệp.
Với những nỗ lực tích cực của ngành Du lịch An Giang, đã đem lại kết quả rất khả quan. Năm 2023, An Giang đón khoảng 8,5 triệu lượt khách tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, lượt khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn và nhà nghỉ, nhà trọ đạt khoảng 700 nghìn lượt; khách quốc tế khoảng 22 nghìn lượt, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 183% so với kế hoạch năm 2023. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 5.900 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2022.
Khu du lịch sinh thái Cồn Én. |
Năm 2024, ngành Du lịch An Giang phấn đấu hướng đến mục tiêu đón 9 triệu lượt khách tham quan, du lịch. Trong đó, lượt khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn và nhà nghỉ, nhà trọ ước đạt 800 nghìn lượt, 25.000 lượt khách quốc tế lưu trú. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 6.200 tỷ đồng. Theo đó, ngành Du lịch An Giang tiếp tục triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm, như: Chiến lược truyền thông du lịch An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2024 – 2030; Tiếp tục thực hiện các Chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch đã ký kết: Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long; Kế hoạch hợp tác liên kết về du lịch giữa tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp; Hướng dẫn hỗ trợ các địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch (ẩm thực, môi trường sinh thái, văn hóa, tài nguyên du lịch hấp dẫn…) để xây dựng các chương trình du lịch và định hướng hình thành các điểm du lịch trong thời gian tới. Tổ chức Hội thi ảnh đẹp về các điểm tham quan, du lịch An Giang xây dựng nguồn ảnh đẹp về các khu, điểm du lịch phục vụ hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch. Thực hiện tuyên truyền, giới thiệu điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Với những lợi thế tài nguyên du lịch độc đáo, cùng với những nỗ lực của ngành Du lịch, hợp sức của doanh nghiệp đầu tư xây dựng những sản phẩm đặc thù: du lịch tâm linh, lễ hội, du lịch núi rừng, nông nghiệp, sông nước mùa lũ… sẽ là điểm đến hấp dẫn với du khách gần xa. Tin rằng, du lịch An Giang sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tốt đẹp và ngành Du lịch sớm trở thành ngành động lực cho phát triển kinh tế của An Giang.
Nguồn: Báo xây dựng