Ấn Độ: Sáng tạo ra loại mực làm từ không khí ô nhiễm

Ấn Độ: Sáng tạo ra loại mực làm từ không khí ô nhiễm

Bằng cách sử dụng khí thải, một loại mực thân thiện với môi trường được ra đời nhằm đề xuất giải pháp mới cho vấn đề ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng.

Hiện ô nhiễm không khí trở thành nguy cơ đe dọa tới sức khỏe con người. Thành phần của các chất ô nhiễm trong không khí được chia thành các chất ô nhiễm ở dạng khí và các chất ô nhiễm ở dạng rắn dựa theo hình dạng của chúng.

Các chất ô nhiễm ở dạng khí chủ yếu đến từ các loại khí thải khác nhau do con người thải ra, chẳng hạn như carbon monoxide, sulfur dioxide, oxit nitơ. Chất ô nhiễm ở dạng rắn chủ yếu là các loại vật chất dạng hạt khác nhau, chẳng hạn như bụi hạt mịn PM2.5, dạng hạt có thể hít phải PM10…

Một công ty mới thành lập ở Ấn Độ của Học viện kỹ thuật Massachusetts (Mỹ) đã đề xuất một giải pháp mới cho vấn đề ô nhiễm không khí ở châu Á – biến khí thải xe cộ thành mực.

tm-img-alt
Thiết bị Kaalink có thể giữ lại 93% khí ô nhiễm thải ra từ các động cơ đốt trong tiêu chuẩn. Ảnh: Sohu

Ô nhiễm không khí là tác dụng phụ tất yếu của quá trình phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa của mỗi quốc gia, khu vực. Thực trạng này đã truyền cảm hứng cho Anirudh Sharma – nghiên cứu sinh tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) sáng tạo ra loại mực làm từ không khí ô nhiễm có tên là AIR-INK.

Nhờ vào việc gắn thêm một thiết bị được gọi là Kaalink ở cuối một ống xả ô tô tiêu chuẩn. Kaalink sẽ lọc và giữ lại các-bon chưa cháy thải ra từ động cơ đốt trong. Chỉ trong 45 phút, các chất ô nhiễm được thu gom bởi thiết bị Kaalink đủ để tạo ra một cây bút mực.

Thông qua các quy trình chuyên biệt khác nhau, các chất ô nhiễm thu thập được sẽ được loại bỏ kim loại nặng và chất gây ung thư. Sản phẩm cuối cùng là nguyên liệu màu giàu carbon thân thiện với môi trường. Sau khi loại bỏ các chất và tạp chất có hại, hàm lượng carbon có độ tinh khiết cao còn sót lại được sử dụng để tạo ra nhiều loại mực khác nhau.

Ông Anirudh Sharma cho rằng quy trình sản xuất mực của ông và các cộng sự bền vững hơn nhiều so với cách sản xuất mực truyền thống, giúp thu hồi được rất nhiều không khí ô nhiễm, từ đó góp phần giảm ô nhiễm không khí và bảo vệ sức khỏe của con người.

Đây là một quá trình phức tạp, nhưng ông Sharma cho rằng nó bền vững hơn nhiều so với cách sản xuất mực thông thường dựa trên việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

Thiên Bảo (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích