Ấn Độ: Ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Thủ đô New Delhi

Ấn Độ: Ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Thủ đô New Delhi

Theo đó, một lần nữa New Delhi lại đứng đầu danh sách về các thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo thời gian thực do Tập đoàn IQAir của Thụy Sĩ biên soạn, đưa thủ đô của Ấn Độ vào loại “nguy hiểm”.

tm-img-alt
Khói mù ô nhiễm bao phủ dày đặc tại New Delhi, Ấn Độ. Nguồn: Indian Express

Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) vào cuối tuần này đã bị bao phủ trong một lớp bụi mù dày đặc, một số trường học thậm chí đã được lệnh tạm thời đóng cửa do chỉ số chất lượng không khí (AQI) giảm mạnh xuống mức “nghiêm trọng”.

Theo Indian Express, các cơ quan dân sự ở thủ đô quốc gia đã tăng cường hành động để giảm thiểu ô nhiễm. Tổng công ty thành phố Delhi đã cử 517 đội, tổng cộng 1.119 sĩ quan, để giám sát việc đốt ngoài trời, đổ rác thải xây dựng và phá dỡ (C&D) trái phép, kiểm tra công trường xây dựng và giám sát bụi đường.

Nhiều người sinh sống ở thành phố hơn 20 triệu dân này đã ghi nhận các triệu chứng khó chịu ở mắt và ngứa họng khi không khí chuyển sang màu xám đậm. Tuy nhiên, một số người vẫn phải tìm cách duy trì sinh kế và thói quen thường nhật, bao gồm cả việc tập thể dục ngoài trời.

Vào mỗi mùa Đông khi trời trở lạnh, thủ đô Delhi luôn chìm trong làn sương mù độc hại do các khối khí lạnh đã giữ lại bụi xây dựng, khi thải xe cộ và khói từ việc đốt rơm rạ ở các bang lân cận, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp cho người dân thành phố.

Năm nay, sự chú ý đối với chất lượng không khí ngày càng tồi tệ đã phủ bóng lên Giải vô địch cricket thế giới do Ấn Độ đăng cai tổ chức, đặc biệt là khi thủ đô tài chính Mumbai cũng đang phải hứng chịu mức độ ô nhiễm tăng đột biến.

Trong một thông tin có liên quan, theo IQAir, nồng độ các hạt PM2.5 độc hại, có đường kính dưới 2,5 micron có thể gây chết người được ghi nhận ở New Delhi vào ngày 3/11 cao gấp 53,4 lần so với hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm đưa ra bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Hôm 3/11, New Delhi đã đứng đầu danh sách về các thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số chất lượng không khí ở mức “nguy hiểm”.

Song Lam (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích