Ấn Độ: Mưa gió mùa giúp tăng năng suất vụ mùa
Ấn Độ: Mưa gió mùa giúp tăng năng suất vụ mùa
Gió mùa đã dẫn mưa về bờ biển bang Kerala ở cực Nam Ấn Độ, giúp người nông dân thở phào sau hơn 1 tuần khô hạn
Theo Reuters đưa tin, gió mùa được ví như “huyết mạch” của nền kinh tế Ấn Độ đã dẫn mưa về bờ biển bang Kerala ở cực Nam Ấn Độ, giúp người nông dân thở phào sau hơn 1 tuần chờ đợi. Đây là đợt mưa gió mùa đến muộn nhất trong bốn năm qua.
Kerala là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Ấn Độ và gió mùa thường đến Kerala vào cuối tháng 5 hàng năm. Mưa gió mùa có vai trò quan trọng đối với kinh tế Ấn Độ, khi giúp đáp ứng gần 70% lượng nước cần thiết để tưới cho các trang trại cũng như bổ sung nguồn nước cho các hồ chứa.
Các thương nhân cho biết, do không có hệ thống thủy lợi nên gần một nửa diện tích đất nông nghiệp của Ấn Độ phụ thuộc vào những cơn mưa từ tháng 6 đến tháng 9. Đợt mưa đến muộn có thể làm quá trình gieo trồng lúa, bông, ngô, đậu tương và mía bị đình trệ.
Năm nay, Cục Khí tượng Ấn Độ dự báo mưa sẽ xuất hiện vào ngày 4/6 nhưng sự hình thành của cơn bão Biparjoy ở Biển Ả Rập đã khiến đợt gió mùa đến chậm hơn. Cơn bão sẽ mạnh hơn trong 18 giờ tới, với sức gió giật lên tới 170 km/giờ và sẽ di chuyển theo hướng Tây Bắc trong 3 ngày tới.
Cục Khí tượng Ấn Độ khuyến cáo các ngư dân quay trở lại bờ biển và tránh đánh bắt cá ở miền Trung và miền Bắc biển Ả Rập cho đến ngày 14/6.
Trong tuần đầu tiên của tháng 6, Ấn Độ nhận được lượng mưa ít hơn 57% so với mức trung bình. Gió mùa sẽ đổ bộ miền Nam trong những ngày tới nhưng các khu vực miền Trung và miền Tây có thể có mưa nhỏ trong hai tuần tới, Cục Khí tượng Ấn Độ cho biết.
Trước đây Ấn Độ đã từng có năm nhận lượng mưa dưới mức trung bình do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino, dẫn đến hạn hán nghiêm trọng phá hủy mùa màng và buộc chính quyền phải hạn chế xuất khẩu một số loại ngũ cốc.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng khí hậu đã khiến hiện tượng gió mùa ở Ấn Độ trở nên cực đoan và khó lường hơn. Mỗi năm ở quốc gia này có hàng nghìn người chết vì lũ lụt và lở đất trong thời kỳ gió mùa, kéo dài trên cả nước từ tháng 6 đến tháng 9.
Đại Phong (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị