Ấn Độ: Mở rộng đường cao tốc 1 làn thành 2 làn xe chạy mỗi chiều
Ấn Độ: Mở rộng đường cao tốc 1 làn thành 2 làn xe chạy mỗi chiều
Tất cả các đường cao tốc chỉ có một làn xe chạy mỗi chiều tại Ấn Độ sẽ được mở rộng thành hai làn xe chạy mỗi chiều. Bên cạnh đó, các tuyến đường này bắt buộc phải có lề đường được trải nhựa nếu muốn được xếp vào danh sách cao tốc.
Thứ trưởng Bộ Đường bộ Ấn Độ Anurag Jain mới đây cho biết những thay đổi trong tiêu chí đường cao tốc đang được nghiên cứu triển khai để đảm bảo rằng các điều chỉnh phù hợp với nhu cầu di chuyển của người dân Ấn Độ ngày nay. Đây là những bước tiến có ý nghĩa vì Ấn Độ đang triển khai chương trình xây dựng đường cao tốc đầy tham vọng. Quốc gia Nam Á này có kế hoạch xây mới khoảng 50.000 km đường cao tốc trong vòng 15 năm tới.
Các tiêu chí này sắp được bổ sung vào quy định về xây dựng được quốc lộ của Ấn Độ. Lề đường được trải nhựa là một phần của đường cao tốc, liền kề với phần xe cộ qua lại thường xuyên trên cùng mức.
Tuy nhiên, đường quốc lộ một làn xe chạy mỗi chiều có thể được tiếp tục duy trì ở các khu vực vùng núi. Việc mở rộng các tuyến đường này sẽ chỉ được xem xét sau khi có đánh giá tác động môi trường và chỉ khi dự án có thể được thực hiện với mức thiệt hại tối thiểu đối với hệ sinh thái xung quanh.
Tới cuối tháng 11/2023, mạng lưới đường cao tốc của Ấn Độ có chiều dài khoảng 146.000 km. Chỉ khoảng 10% trong số này có ít hơn hai làn xe chạy mỗi chiều. 90% chiều dài đường cao tốc tại Ấn Độ hiện nay có hai làn xe chạy mỗi chiều, hoặc hai làn xe cùng lề đường trải nhựa, hoặc từ 4 làn xe trở lên. Chiều dài của các tuyến cao tốc có bốn làn xe trở lên vào khoảng 46.100 km (chiếm 32% tổng chiều dài của hệ thống). Các tuyến có hai làn xe và hai làn có lề đường là 85.000 km (tương đương 58%).
Tầm nhìn 2047 về mạng lưới đường bộ của Ấn Độ có nhắc tới việc xây dựng 50.000 km đường cao tốc có kiểm soát ra-vào trong khoảng 15 năm tới. Hầu hết các đoạn đường này sẽ là các dự án sáu làn và tám làn xe chạy mỗi chiều; tạo điều kiện cho các phương tiện di chuyển nhanh hơn và kết nối các trung tâm kinh tế trong cả nước.
Tuấn Khang (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị