Ấn Độ: Khủng hoảng nước đang ‘trù ám’ dân Sundarbans
Ấn Độ: Khủng hoảng nước đang ‘trù ám’ dân Sundarbans
Theo dõi MTĐT trên
Vì cuộc khủng hoảng nước, người dân sống trong và quanh rừng đước lớn nhất của thế giới này đang phải dùng nguồn thu nhập ít ỏi để mua nước uống.
Rừng đước Sundarbans nằm một phần trong bang Tây Bengal phía đông Ấn Độ và nằm một phần ở Bangladesh láng giềng. Là một vùng châu thổ nằm giữa các sông Hằng, Brahmaputra, Meghna và Vịnh Bengal, 30% diện tích khu rừng ngập trong nước.
Nhưng phần lớn khu vực đang trải qua một cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng, và sự biến đổi khí hậu cùng các chủ trương của chính quyền địa phương càng làm cuộc khủng hoảng này trở nên nặng nề hơn, theo báo Đức Deutsche Welle(DW).
Từ nhiều tháng qua, nước máy không hoạt động trong khi nguồn nước ngầm lại ở quá sâu hoặc quá mặn. Hàng ngàn gia đình trong vùng châu thổ này nay phải mua nước uống, và đó là một vấn nạn vì cư dân Sundarbans phải chấp nhận tình cảnh khó khăn về kinh tế mà không có cách nào thoát ra được.
“Chúng tôi không thể có được hai bữa ăn/ngày và nay chúng tôi phải trả tiền mua nước. Đây là một cuộc tra tấn”, theo ông Debasis Sarkar, một cư dân trong làng số 4 ở Sundarbans.
Ông cho biết 200 hộ dân trong làng số 4 phải xếp hàng từ lúc 7 giờ sáng, phải đặt xô, chậu để hứng nước từ tuyến ống nước máy do chính phủ lắp đặt: “Lẽ ra nước được cấp 3 lần/ngày, mỗi lần hai giờ vào lúc sáng sớm, trưa và tối”. Nhưng hệ thống nước máy đã “ngủ yên” từ nhiều tuần qua.
Bão gây ra ngập nặng và đất, nước bị nhiễm mặn
Trong lịch sử, rừng đước Sundarbans giúp tránh bão nổi lên trong Vịnh Bengal. Nhưng sự biến đổi khí hậu đã khiến có nhiều trận bão mạnh hơn và thường xuyên hơn, trong khi sự phá rừng đước đã khiến giảm khả năng chống bão của rừng.
Năm 2009, bão Aila chỉ ở cấp độ 1 (thấp nhất trong thang xếp hạng) đã tàn phá vùng Sunderbans, với khoảng 2,3 triệu dân bị ảnh hưởng, theo AP. Dù được xếp là bão cấp thấp nhất, Aila đã gây ngập lụt diện rộng, quét sạch những mái nhà tranh, mùa màng và gia súc chỉ trong vòng vài giờ.
Trong vài năm gần đây, Sundarbans phải chịu những trận bão mạnh hơn là Fani (cấp độ 5) và Bulbul (cấp độ 3) hồi năm 2019 và bão Amphan (cấp độ 5) hồi năm 2020. Sau mỗi trận bão, nước biển dâng lũ và gây nhiễm mặn vào đất, các ao và giếng nước ngọt.
Trước đây, chính quyền bang Tây Bengal đã lập các chương trình như nâng chiều cao của các giếng ống để chúng khỏi bị ngập, nhưng dân địa phương nói cách này không hiệu quả. Dù vậy, nhiều làng vẫn phải sử dụng nước nhiễm mặn vì không có nguồn nước thay thế.
Joy Banerjee sống ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, hiện mỗi khi có thể đều thực hiện những chuyến đi độc lập đến Sundarbans, đem theo nhiều nước uống trên tàu để giúp người dân.
Ông nói với DW: “Khi tôi thăm các làng ở cách xa các điểm du lịch, tôi nhận ra nguồn nước họ uống đã bị nhiễm mặn. Cũng không có các hệ thống nước máy của chính quyền ở các đảo xa, nên người dân đã quen với việc uống nước mặn mà không hề biết nó gây hại cho sức khỏe”.
Uống nước nhiễm mặn đã được phát hiện là có liên quan các bệnh tim mạch, tiêu chảy và đau bụng.
Ngân hàng Thế giới (WB) hồi năm 2015 đã có báo cáo về tình hình nước uống “kém chất lượng” ở Sundarbans khiến có khoảng 1.925 ca tử vong và 1,5 triệu ca tiêu chảy hồi năm 2008.
Từ sau đó, tình hình càng tệ hại hơn, theo WB. Báo cáo năm 2020 của tổ chức tài chính toàn cầu này đã cảnh báo “tình hình này sẽ gây ra nhiều hậu quả cho sức khỏe của các bà mẹ và trẻ con, gồm bị mất nước, cao huyết áp, những biến chứng trước sinh và làm tăng tỷ lệ trẻ tử vong”.
Chính quyền địa phương cho nhà giàu thuê ao chung
Cách làng số 4 (còn gọi là làng Malpara) khoảng 10 phút xe là một nhà máy lọc nước từ ao, cung cấp nước máy cho Malpara và 3 làng khác là Arampur, Chondimon và Borobari.
Chính quyền bang Tây Bengal lập nhà máy này năm 2018, lấy nước bẩn từ 4 ao lớn và lọc khoảng hơn 1, tỷ lít nước trong mỗi lần lọc vốn kéo dài 20 phút.
Tuy nhiên, việc vận hành nhà máy đã trở nên khó khăn vì không còn nhiều nước trong các ao, theo Debashish Adhikari, một trong 5 nhân công nhà máy.
Ông cho biết sự thiếu nước là do chủ trương của chính quyền địa phương, cụ thể là ủy ban thôn (BDO): cho một ít gia đình giàu có và có ruộng lớn thuê các ao nước lớn và sạch trong 1-2 năm với giá hàng trăm ngàn rupee, bấp chấp nhiều dân làng cũng tùy thuộc vào nguồn nước đó.
Ông nhấn mạnh: “Họ là những gia đình có quan hệ thân thiết với quan chức nên họ được cho thuê. Lẽ ra không được để xảy ra việc này”.
Khi DW hỏi tại sao ao chung dùng để cấp nước uống cũng được dùng vào các mục đích khác, và nguồn tiền cho thuê được sử dụng vào việc gì, trưởng BDO Bidhan Mridha cho biết cho thuê ao chỉ để bắt cá, tiền thuê thu về được nộp vào quỹ riêng của thôn.
Chính phủ Ấn Độ nỗ lực cứu rừng đước thế nào ?
Cuộc khủng hoảng nước ở rừng đước Sundarbans không là thông tin mới. Nhiều cuộc điều tra, nghiên cứu cấp toàn cầu và các báo cáo đều nhấn mạnh mối họa của sự biến đổi khí hậu đối với khu vực này.
Thủ hiến bang Tây Bengal, bà Mamata Banerjee xác nhận vấn nạn thiếu nước uống và hứa sẽ có phương án đối phó, như sẽ kết nối hệ thống nước máy đến tất cả các hộ dân kể từ năm 2024.
Đất cũng bị nhiễm mặn, không còn có thể trồng trọt. Theo báo Telegraph của Ấn Độ, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman khi trình đề xuất ngân sách quốc gia năm 2023- 2024 đã thông báo một sáng kiến xây các đồn điền trồng đước trên các khu đất bị nhiễm mặn.
Các chuyên gia hoan nghênh sáng kiến này là một bước tốt và cần thiết để hướng tới mục tiêu bảo tồn dài hạn các vùng duyên hải và duy trì hệ sinh thái rừng đước phong phú của Sundarbans.
Tuy nhiên, các nỗ lực này sẽ mất nhiều thời gian trước khi có kết quả, theo DW.
Đông Hà (T/h) (theo Deutsche Welle)
Nguồn tham khảo: https://www.dw.com/en/india-how-water-crisis-is-haunting-sundarban-residents/a-65024779
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị