Ấn Độ: Báo động cao tại thủ đô New Delhi do mưa lũ

Ấn Độ: Báo động cao tại thủ đô New Delhi do mưa lũ

Tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ đang trải qua hàng loạt trận mưa lớn trong những ngày qua, gây sạt lở đất, lũ quét, thương vong và tàn phá nặng nề trên diện rộng.

Khu vực thủ đô New Delhi của Ấn Độ ngày 12/7 được đặt trong tình trạng báo động cao khi mực nước sông Yamuna đoạn chảy qua thành phố lên mức cao nhất trong vòng 45 năm qua, vượt ngưỡng nguy hiểm 207m.

Mực nước sông Yamuna đang dâng cao khi mưa lớn kéo dài trong những ngày qua ở các khu vực thượng nguồn tại các bang Uttarakhand, Himachal Pradesh. Mưa lớn đã gây nhiều thiệt hại đối với đường xá, cơ sở hạ tầng và gây ngập úng, ảnh hưởng đến giao thông ở thủ đô của Ấn Độ. Lực lượng cảnh sát New Delhi hôm nay đã kêu gọi người dân tránh di chuyển tại những đoạn đường ngập nước.

tm-img-alt
Người dân di chuyển qua vùng ngập lụt (Nguồn: Reuters)

Trước hình tình đó, cảnh sát New Delhi đã ra thông báo tạm dừng giao thông tại các khu vực như đường hầm Pragati Maidan, đường Pusta ở Gandhi Nagar cho đến khi có thông báo mới. Thời tiết khắc nghiệt ở Delhi cũng đã ảnh hưởng đến ngành đường sắt và hàng không. Khoảng 24 chuyến tàu đã bị hủy.

Tại cuộc họp đánh giá về tình hình, thủ hiến Delhi, ông Arvind Kejriwal cho biết, hệ thống thoát nước của thành phố không được thiết kế để hứng chịu lượng mưa kỷ lục trong những năm qua, khiến các tuyến đường lớn bị ngập, giao thông bị gián đoạn và nhà cửa, cơ sở vật chất ở những vùng trũng thấp bị ngập lụt.

Các nhà chức trách đang tiến hành công tác dọn dẹp và bảo trì tại các khu vực bị ảnh hưởng do mưa nhằm đảm bảo giao thông cũng như cuộc sống của người dân. Chính quyền New Delhi đã thiết lập 16 phòng kiểm soát để theo dõi mực nước sông Yamuna và các khu vực dễ bị lũ lụt.

Lượng mưa kỷ lục ở New Delhi đã ảnh hưởng đến đời sống của khoảng 41.000 người dân hiện đang sinh sống ở các vùng trũng thấp gần sông. Công tác sơ tán người dân trong các khu vực này cũng đang được chính quyền địa phương triển khai gấp rút.

Hải Đăng (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích