Ấm lòng tình quân dân

Nâng bước học trò nghèo vùng biên

Những ngày đầu nhận công tác về Đồn Biên phòng Đắk Long, Đại úy Br Ôl Minh Phong – Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Đắk Long đã không ngại băng rừng, vượt đồi đến từng nhà dân các thôn làng để nắm tình hình đời sống của bà con nơi đây.

Ấm lòng tình quân dân
Đại úy Br Ôl Minh Phong trò chuyện, hỏi thăm tình hình học tập của Y Hạng. Ảnh: B.D.

Đồn Biên phòng Đắk Long (đóng trên địa bàn huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) có nhiệm vụ quản lý 27,124 km đường biên, tiếp giáp với tỉnh Attapeu của nước bạn Lào. Đại úy Br Ôl Minh Phong cho biết: Xã Đắk Long có 9 thôn, làng, với dân số gần 6.500 người thuộc 10 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 95%. Người dân trên địa bàn theo 2 tôn giáo: Công giáo và Tin lành hệ phái truyền giáo cơ đốc, với gần 4.300 tín đồ. Đời sống của nhân dân nơi đây còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao (chiếm trên 30%)…

Ấm lòng tình quân dân
Để các cháu được đến trường, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắk Long đã nhận đỡ đầu, hằng tháng hỗ trợ một khoản kinh phí để các cháu mua đồ dùng học tập, quần áo, sách vở… Ảnh: B.D.

Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, nhằm giúp người dân nơi đây có cuộc sống khá hơn, nâng cao đời sống, dân trí, Đại úy Phong đã đến tận nơi gặp các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong thôn trao đổi, nắm tình hình từng hộ trong thôn để có các biện pháp giúp đỡ từng gia đình.

Đại úy Phong kể: Nhiều cháu gia đình rất khó khăn, bố, mẹ bị bệnh hiểm nghèo; có gia đình bố mẹ đã ly thân, các cháu về ở với bà đã già… Như cháu Y Hạng (13 tuổi) người dân tộc Giẻ Triêng, mẹ bị khuyết tật, nhà có 5 anh chị em, kinh tế gia đình rất khó khăn. Hay như cháu A Quang Tuyền (13 tuổi), bố mẹ không có việc làm ổn định, nhà có 3 anh chị em đang tuổi ăn học… Để các cháu được đến trường, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắk Long đã nhận đỡ đầu, hằng tháng hỗ trợ một khoản kinh phí để các cháu mua đồ dùng học tập, quần áo, sách vở…

Ấm lòng tình quân dân
Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắk Long còn làm tốt công tác dân vận, tích cực giúp đỡ người dân địa phương. Ảnh: B.D.

Cứ như thế, từ khi triển khai Chương trình “Nâng bước em đến trường” đến nay, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắk Long đã nhận đỡ đầu 21 cháu học sinh, trong đó cháu bé nhất học lớp 2, lớn nhất học lớp 9, giúp các cô, cậu học trò nghèo vùng biên có cơ hội đến trường, vươn lên học tập, theo đuổi ước mơ nghề nghiệp.

Những bữa cơm nặng ân tình

Vượt qua Đắk Long, phóng viên Lao động Thủ đô đến với Đồn Biên phòng Đắk Xú (đóng trên địa bàn xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng nơi đây được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 11,52 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, đối diện là Bản Nọng Pha, cụm Bản Văng Tách, huyện Xản Xay, tỉnh Attapeu, Lào.

Trung tá Vũ Đức Phú – Chính trị viên Đồn Biên phòng Đắk Xú cho biết: Đắk Xú gồm 11 thôn với 6.952 khẩu, có 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, trình độ dân trí, nhận thức còn hạn chế, trong đời sống hằng ngày còn nhiều khó khăn, chưa có điện lưới quốc gia… nên cán bộ, chiến sĩ đóng quân ở đây xác định đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương.

Ấm lòng tình quân dân
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắk Xú tổ chức bữa ăn trưa cho các cháu học sinh đang theo học tại Trường Tiểu học – THCS Đắk Xú. Ảnh: B.D.

Không chỉ hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, giúp dân xóa đói, giảm nghèo thông qua việc triển khai nhiều mô hình như tặng cây giống, heo giống, cải tạo nương rẫy… những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắk Xú còn thường xuyên duy trì thực hiện hiệu quả các mô hình, chương trình như: “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi Đồn Biên phòng”, “địa chỉ đỏ”…

“Đồn đã phối hợp với chính quyền địa phương, cấp ủy nhà trường và gia đình khảo sát rất chặt chẽ, cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu thuộc gia đình khó khăn có điều kiện đến trường. Qua nắm tình hình từng gia đình, nhận thấy do bố mẹ đi làm nương rẫy xa nên bữa trưa các cháu thường phải tự túc, có gì ăn nấy, nhiều khi chỉ có chút cơm nguội. Do đó, Đồn quyết định cách hỗ trợ thiết thực nhất là tổ chức bữa ăn trưa cho các cháu để đảm bảo các cháu đi học đủ ngày 2 buổi (sáng – chiều). Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên Đồn Biên phòng Đắk Xú đều cố gắng duy trì đều đặn bữa ăn trưa trị giá hỗ trợ 20.000 đồng cho hơn 20 cháu là con đồng bào địa phương.”, Trung tá Vũ Đức Phú cho biết.

Ấm lòng tình quân dân
Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắk Xú thường xuyên duy trì tổ chức bữa ăn trưa cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các cháu yên tâm theo học. Ảnh: B.D.

Chia sẻ với phóng viên, Y Vân Trang (dân tộc Xơ Đăng) hiện đang học lớp 6E Trường Tiểu học – THCS Đắk Xú (cơ sở 2) cho biết: Mỗi ngày đến trường với Trang đều là một ngày vui. Mấy năm nay, trưa nào tan học Trang cũng được các bác ở Đồn Biên phòng nấu cơm cho ăn. “Bố mẹ cháu hằng ngày đi hái cà phê bận lắm. Bữa trưa ở nhà cháu chỉ có cơm với canh, lâu lâu mới được ăn thịt, không có nhiều món như ăn cơm ở Đồn. Cháu thấy rất vui và cảm ơn mấy bác Biên phòng, nên cháu cố gắng học thật giỏi và đã đạt Học sinh xuất sắc”, Trang phấn khởi khoe.

Cũng chung niềm vui như Trang, A Li Na Đạt (dân tộc Xơ Đăng) học sinh lớp 6D Trường Tiểu học – THCS Đắk Xú cho biết: “Con và các bạn đều rất vui vì được ăn cơm no và ngon nữa. Con sẽ cố gắng học tập thật giỏi để không phụ sự quan tâm, chăm lo của các bác, các chú và các thầy cô”.

Hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tất cả vì bình yên cho biên cương Tổ quốc, từng giờ, từng ngày, những người lính Biên phòng như Đại ủy Br Ôl Minh Phong, Trung tá Vũ Đức Phú và những cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tỉnh Kon Tum đang không ngừng nỗ lực tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của những người lính mang quân hàm xanh. Với các anh, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ trái tim.

B.D

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích