Ấm áp những bữa ăn 0 đồng giữa lòng thành phố
Ấm áp những bữa ăn 0 đồng giữa lòng thành phố
Từ ngày TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 để chống dịch Covid-19 cũng là khi nhiều chương trình nhà ăn, bếp ăn miễn phí ngày đêm “nổi lửa” để nấu những bữa ăn hỗ trợ người dân chống dịch.
Tại địa chỉ 84/96 Tân Sơn Nhì, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP HCM, gần 2 tháng nay “Nhà ăn 0 đồng Happy” nhận được hưởng ứng tích cực từ người dân. Những món ăn đa dạng, hấp dẫn, ngon miệng từ chương trình đã giúp cho người dân yên tâm sinh sống trong mùa dịch.
“Nhà ăn 0 đồng Happy” có địa chỉ tại 84/96 Tân Sơn Nhì, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP. HCM
Anh Nguyễn Anh Tài, người phụ trách chính “Nhà ăn 0 đồng Happy” cho biết, nhà ăn khai trương vào ngày 6/6/2021 với mục đích ban đầu là giúp phần nào cho những hoàn cảnh khó khăn có bữa ăn ngon miễn phí trong tình hình dịch bệnh.
“Bếp hoạt động từ 6 giờ sáng đến khoảng 8 giờ tối mỗi ngày, chia làm 2 ca (ca sáng khoảng 15 người thực hiện, ca chiều khoảng 10 người). Những ngày đầu khai trương, bếp phục vụ từ 400 – 500 suất ăn/ngày. Tuy nhiên, trước tình hình giãn cách xã hội kéo dài thêm thời gian để phục vụ cho nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của TPHCM, nhà ăn đã quyết định tăng công suất lên từng ngày. Đến nay, bình quân nhà ăn thực hiện khoảng 1.500 suất ăn/ngày trong đó khoảng 900 suất phục vụ ăn trưa và khoảng 600 suất phục vụ ăn chiều. Tùy ngày mà nhà ăn phục vụ xen kẽ cơm, xôi chè luân phiên nhau cho bà con ở các khu vực cách li, phong tỏa, những người vô gia cư, người có hoàn cảnh khó khăn” – Anh Tài cho biết thêm.
Để duy trì hoạt động, kinh phí phần lớn do các thành viên trong nhà ăn tự bỏ. Qua gần 2 tháng, chương trình đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn phường và các địa bàn khác của quận Tân Phú.
Bếp hoạt động từ 6 giờ sáng đến khoảng 8 giờ tối mỗi ngày, chia làm 2 ca để đảm bảo công tác phòng, chống dịch
Tiếp nối chương trình của anh Tài, bếp ăn của chị Châu Nguyễn Thanh Hằng và các tình nguyện viên của Nhóm từ thiện Hoa Tâm (quận 4) cũng đã “nổi lửa”, nấu các suất ăn hỗ trợ cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.
“Thấy chúng tôi làm việc ý nghĩa, nhiều người đã góp thêm kinh phí để chúng tôi mở rộng quy mô bếp ăn. Người có tiền góp tiền, người có gạo góp gạo, người có thịt góp thịt, người có sức góp sức, cứ thế các phần ăn ngày càng được tăng lên. Số lượng người tham gia cũng càng tăng, ngoài tình nguyện viên trong nhóm thiện nguyện còn có các cô chú ở các khu phố của phường 16 và các bạn đoàn viên, thanh niên phường 8 đến hỗ trợ. Vậy là chúng tôi có điều kiện để giúp đỡ thêm nhiều người hơn” – chị Hằng chia sẻ.
Ở quận 1, bếp ăn Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP Hồ Chí Minh cũng cho ra gần 80.000 phần ăn phục vụ cho các khu phong tỏa, cách ly, đơn vị y tế với mong muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn giữa mùa dịch.
“Chúng tôi đang cố gắng phục vụ được cho người dân khoảng 4.000 suất ăn/ngày và trong tháng 8 sẽ tăng lên mức 7.000 suất ăn/ngày để đáp ứng nhu cầu tăng cao. Nhiều khi, các tình nguyện viên lên giường ngủ vào 5 giờ sáng khi hoàn thành hết công việc và thức dậy sau đó một tiếng để tiếp tục làm. Dù mệt mỏi nhưng ai nấy đều vui vẻ, hạnh phúc vì đã góp phần nào công sức nhỏ bé, mang tình yêu thương, sự sẻ chia của mọi người đến với những người khó khăn qua những phần ăn nóng hổi, đầy ắp nghĩa tình” – bạn Huỳnh Thị Hương, sinh viên Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Thực đơn được thay đổi liên tục nhằm đảm bảo đủ dinh dưỡng cho người dân
Giữa trưa nắng nóng, chị Đỗ Thị Tưởng (52 tuổi, đường Trần Phú, Quận 5) ân cần trao từng hộp cơm cho chị lao công, anh công nhân, shipper, người đạp xích lô… Từ khi TP HCM giãn cách chị đã cùng với một số chị em gần nhà nấu cơm để đi tặng những hoàn cảnh khó khăn, vô gia cư.
Chị Tưởng cho biết, thực đơn món ăn từng ngày được thay đổi liên tục, nếu hôm qua là món gà kho sả thì hôm nay đổi món thịt kho tiêu, cùng rau củ quả luộc, tôm rang,.. Trung bình mỗi ngày nhóm của chị phát khoảng 600 suất cơm, ngày cao điểm lên đến 1000 suất.
“Những ngày này chúng tôi không có việc làm nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế. Rất may có những chương trình miễn phí nhà ăn, bếp ăn, gian hàng rau củ quả,… họ đã giúp chúng tôi ổn định hơn trong cuộc sống, mong rằng những mô hình từ thiện này sẽ tiếp tục được nhân rộng, tôi nghĩ rằng hiện có rất nhiều hoàn cảnh bị ảnh hưởng của dịch cần được giúp đỡ”– anh T., người dân quận 1 cho biết.
Quán cơm chay Bình An, số 49 đường Ngô Quyền, Quận 10 phát cơm miễn phí cho người nghèo, người lao động tự do gặp khó khăn
Chung hoạt động, chương trình “Bếp Mầm xanh” nhiều ngày nay cũng đỏ lửa để mỗi ngày làm hàng trăm phần ăn miễn phí gửi cho các y bác sĩ Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 6 ở phường An Phú, TP Thủ Đức. Tất cả các suất ăn đều là các thực phẩm sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Mỗi điểm một câu chuyện, cách làm khác nhau nhưng tất cả họ đang cùng chung mục đích và mong muốn được giúp đỡ, tiếp thêm sức mạnh cho những hoàn cảnh khó khăn, người vô gia cư và cả đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch để cùng vượt qua những ngày khó khăn, vất vả của dịch bệnh.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ