“Ai về làng Vác nhắn nhờ / mua lồng Canh Hoạch,…”
Nghề truyền thống cha truyền con nối
Làng Vác không chỉ được biết đến là miền đất sinh ra hai vị Trạng nguyên và nhiều bậc tiền nhân có công với đất nước mà còn nổi tiếng với nghề truyền thống làm lồng chim. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, nghề làm lồng chim đã có từ lâu đời. Người được coi là ông tổ làng nghề phải kể đến cố Nghệ nhân Nguyễn Văn Tý. Sau đó, cụ truyền nghề cho con trai là Nguyễn Văn Nghi (cụ Ba Mi). Sinh thời, cụ Nguyễn Văn Nghi nức tiếng trong vùng bởi có “đôi tay vàng”.
Giờ đến làng Vác, hỏi thăm Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ (con trai cả của cụ Ba Mi) thì ai cũng biết. Người tiếp nối nghề truyền thống ông cha truyền lại với nghề làm lồng chim chân truyền từ ông tổ làng nghề, “cụ cố, Nghệ nhân Nguyễn Văn Tý”. Ông Nghệ chia sẻ: “lồng chim làng Canh Hoạch có đặc trưng riêng ít nơi nào sánh được – đó là sự bền, đẹp, sang trọng, có sức hút rất lớn đối với những người có sở thích nuôi chim cảnh”.
Ông cho biết thêm: “để đáp ứng được tiêu chí bền, đẹp, sang, người thợ phải kỳ công làm khá nhiều công đoạn như chọn tre nguyên liệu phải là loại tre rừng từ các tỉnh miền núi Hòa Bình, Cao Bằng. Sau khi nhập về, tiếp đến các công đoạn ngâm, luộc, hun tre, vót nan làm đáy, vanh (người dân ở đây gọi vành như vậy), cửa, cầu… mỗi công đoạn này phải cẩn thận nếu không đủ thời gian, hay quá lửa sẽ không đáp ứng được chất lượng cũng như thẩm mỹ”.
Bắt kịp với kinh tế thị trường và phát triển kinh tế nông thôn, hiện làng Vác có hơn 1.000 hộ làm lồng chim. Tạo công ăn việc làm cho tất cả người dân từ trẻ em đến người già, mọi người đều có thể tham gia vào quá trình sản xuất.
Để xem cách hoàn thiện một chiếc lồng chim như thế nào, chúng tôi ghé qua hộ sản xuất của gia đình anh Hỗ và chị Bắc. Nhìn anh đang thoăn thoắt hoàn thiện đáy lồng, một người phụ trách làm chân, con gái làm vanh và chị Bắc làm thân lồng. Dù đảm nhận những công việc khác nhau, nhưng người nào cũng hết lòng với việc của mình. Đấy chính là bí quyết để những người thợ thủ công tạo ra được những sản phẩm ăn khớp từng chi tiết.
“Gia đình tôi nối nghiệp nghề làm lồng chim từ các cụ, chúng tôi khi tiếp quản cơ sở, cũng truyền nghề lại cho các con để chúng tiếp tục theo nghề truyền thống của cha ông. Làm lồng chim rất khó để phân biệt khâu nào quan trọng nhất vì mọi khâu đều quan trọng như nhau: từ lựa chọn nguyên liệu, vót vanh, làm đáy, làm thân lồng… đều phải đặt vào đó tâm huyết và sự khéo léo. Chúng tôi làm lồng chim theo đơn đặt hàng, trước khi làm thì phải tìm hiểu về loại chim mà khách đặt để thiết kế lồng cho phù hợp với từng loại. Điều đó cũng đòi hỏi sự tinh tế ở người thợ thủ công”– anh Hỗ chia sẻ.
Để làm nên một chiếc lồng chim đẹp, người thợ ngoài đôi bàn tay khéo léo, còn phải hiểu từng loại chim để làm ra những chiếc lồng phù hợp với hình dáng và tập quán sinh hoạt của chim.
Theo bác Thọ: “làm lồng khó ở chạm đường viền cho các vanh lồng. Chạm họa tiết cách điệu của chữ vạn, chữ thọ hoặc chữ nhật gấp khúc trên một mặt hẹp 0,5 cm đòi hỏi tay nghề rất cao, chỉ chệch một đường dao là bao nhiêu công sức lại “đổ sông đổ bể”. Với những lồng đặt đặc biệt, phải chạm đủ tứ quý long, ly, quy, phượng… vào các đường vanh bao tròn quanh lồng, chạm hình rồng trên cầu chim đậu, chạm đốt tre trên móc treo…”.
Tại làng Vát, sản xuất nghề thủ công chiếm khoảng 70% tổng thu nhập, trong khi nông nghiệp chỉ còn chiếm 10%. Với nghề làm lồng chim, thu nhập của người dân trung bình khoảng 8 triệu/tháng.
“Trước đây, làm nông nghiệp rất vất vả, cực nhọc mà thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Sau khi chuyển sang làm nghề đan lồng chim, đời sống khấm khá hơn. Các gia đình trẻ trong làng đều nối nghiệp theo nghề, thành ra nghề làm lồng chim đang phát triển mạnh mẽ hơn. Gia đình ông đã gắn bó với nghề đan lồng chim cả cuộc đời. Giờ đây, nghề ấy lại được những người con của ông bà tiếp nối. Bản thân ông, dù đã đến tuổi nghỉ ngơi nhưng vẫn hàng ngày đan lồng chim như một… thói quen”. Bác Thọ chia sẻ thêm.
Điểm đến quen thuộc của giới nuôi chim cảnh
Bước chân vào đến làng, ta sẽ bị hút vào không khí lao động nhộn nhịp, khẩn trương. Những người dân trong làng ai nấy đều tất bật không ngơi tay. Dù trong thời gian cả thành phố đang phải gồng mình chống dịch, hay trong tháng 12 này Thủ đô đang trong giai đoạn “bình thường mới” nhưng ở đây không hề chững lại nhịp sống của làng nghề thủ công truyền thống. Họ vẫn tất bật, vẫn đứng vững trước cơn bão đô thị hóa, để làm ra những sản phẩm mộc mạc, giản dị, gắn bó với cuộc sống hàng ngày như đã từng gắn bó hàng trăm năm.
Ngoài chiếc lồng truyền thống, các nghệ nhân còn sáng tạo thêm nhiều kiểu dáng lồng phong phú như quả đào, quả cầu, lá vả… để nuôi chim gáy. Lồng quả chuông, loại 3 vanh 60 nan và loại 4 vanh, 64 nan là lồng nuôi chim yến được nhiều người chơi chim ưa chuộng. Khách hàng đặt lồng khướu, họa mi, chào mào, chích chòe, sơn ca… kiểu gì nghệ nhân cũng sẵn sàng. Dưới bàn tay nghệ nhân làng Vác, mỗi chiếc lồng đều có họa tiết chạm trổ tinh xảo, xứng đáng để nuôi những chú chim quý hoặc đơn giản chỉ để dùng treo trong nhà hay bày biện trong những không gian sang trọng.
Nói đến lồng chim, người chơi chim ai cũng phải nhắc tới lồng chim làng Vác. Cũng trải qua các công đoạn làm lồng như lựa chọn nguyên liệu, ngâm tre, hun tre, vót nan làm đáy, làm vanh, gắn đế, ráp lồng, nhưng lồng chim làng Vác đòi hỏi các công đoạn cầu kỳ hơn nhiều mà chỉ những người dân làng sành nghề mới biết, để làm. Chỉ nói riêng công đoạn chọn tre làm lồng cũng khiến cánh buôn tre phải “mắt tròn, mắt dẹt” bái làm thầy.
Chẳng vì thế mà lồng chim làng Vác, dù có đủ mọi kích cỡ, kiểu dáng khác nhau, nhưng đều có điểm chung là để càng lâu càng rắn chắc, bóng đẹp… do đó, làng trở thành địa chỉ nức tiếng mà giới chơi chim cảnh sành sỏi ở khắp cả nước lặn lội tìm về để mua những chiếc lồng ưng ý./.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu