Ai dễ mắc bệnh khi El Nino gây nắng nóng kỷ lục mùa hè năm nay?

Ai dễ mắc bệnh khi El Nino gây nắng nóng kỷ lục mùa hè năm nay?

Hiện tượng El Nino được dự báo sẽ làm thời tiết ở Việt Nam diễn biến phức tạp và khó lường hơn trong năm 2023.

El Nino là hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, ảnh hưởng đến thời tiết trên phạm vi toàn cầu. El Nino thường kéo dài trung bình từ 8 – 12 tháng với chu kỳ khoảng 3 – 4 năm/lần.

Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia dự báo El Nino có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 5, đầu tháng 6/2023 với xác suất 70-80%, có thể kéo dài sang đầu năm 2024.

Trong điều kiện El Nino, nhiệt độ trung bình các tháng đều cao hơn bình thường. Các đợt El Nino mạnh có thể gây ra nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ở nhiều nơi.

Hiện tượng thời tiết này cũng thường gây thiếu hụt lượng mưa trong hầu hết các vùng trong cả nước, phổ biến từ 25-50% (rõ rệt nhất là Bắc Trung Bộ). 

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

El Nino có khiến dịch bệnh phức tạp hơn?

Thống kê tại các cơ sở y tế cho thấy, số người nhập viện cấp cứu vào mùa hè thường tăng cao gấp 3 lần so với các thời điểm khác

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, đặc trưng của hiện tượng thời tiết El Nino là nóng khắc nghiệt và thiếu nước. Năm 2023, El Nino quay trở lại và được dự báo có thể phá kỷ lục về nhiệt độ cao nhất ở một số địa phương.

Bác sĩ Khanh cho hay thời tiết nắng nóng sẽ tác động mạnh mẽ đến sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ. Khi nhiệt độ môi trường trên 36 độ C, trẻ bị khó ăn, khó ngủ, toát mồ hôi, cơ thể thiếu nước, sinh hoạt không điều dộ và miễn dịch kém.

Đây lại là điều kiện thuận lợi cho một số virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển nhanh và lây lan nhiều hơn. Do đó, trẻ dễ dàng bị bệnh tật tấn công như các bệnh lý đường hô hấp trên, sốt siêu vi, sởi, tay chân miệng… Khi thời tiết mát mẻ trở lại, miễn dịch và thể lực của trẻ cũng sẽ tốt dần.

Vị bác sĩ cho biết thêm, El Nino ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền nông nghiệp, nắng hạn gây mất mùa và khiến nguồn lương thực bị thiếu hụt. Đây cũng có thể là mối liên quan khiến cho tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở một số nơi trên thế giới tăng hơn trong thời điểm El Nino xuất hiện.

Trả lời câu hỏi hiện tượng thời tiết cực đoan có khiến dịch bệnh phức tạp hơn không, bác sĩ Khanh cho rằng riêng với sốt xuất huyết, các nghiên cứu cho thấy dưới tác động của biến đổi khí hậu, loài muỗi có thể bay xa hơn và gây bệnh rộng hơn.

Tuy nhiên, dù có xảy ra hiện tượng El Nino hay không, sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm phụ thuộc vào các yếu tố như vệ sinh môi trường khi thiếu nước và hạn hán; khả năng diệt muỗi và côn trùng khi mưa trở lại; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin.

“Thiếu hụt yếu tố nào cũng có thể khiến bệnh tăng hơn ở khu vực, địa phương đó”, bác sĩ Khanh nói.

Cẩn trọng nguy cơ sốc nhiệt ở trẻ nhỏ

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), khi điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt, phụ huynh cần lưu ý nguy cơ sốc nhiệt ở trẻ.

Đây là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức, khoảng 40-41 độ C khi nhiệt độ môi trường tăng, cơ thể không có khả năng tản mát nhiệt nội sinh, có thể gây tử vong.  

Để phòng ngừa, trẻ nhỏ nên vui chơi hay tập luyện trong môi trường thoáng mát; cho trẻ mặc quần áo nhẹ, mỏng, ngắn tay, màu sáng, đội nón rộng vành; cho trẻ uống thêm nhiều nước; tránh tập luyện quá sức ở ngoài trời nắng.

Nếu trẻ cảm thấy khó chịu, ngừng ngay việc tập luyện và vào nơi có bóng mát để nghỉ ngơi. Nếu trẻ phải thường xuyên tập luyện, học tập ngoài nắng thì giới hạn mỗi lần tập 20-25 phút, tối đa 45-60 phút/ngày. Nhà trường cần thiết kế sân chơi, tập luyện thể thao thoáng mát có mái che.

Bảo My (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích