HSBC: ‘Việt Nam là cái nôi phát triển của những kỳ lân tiềm năng’

Báo cáo của HSBC và KPMG đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có môi trường khởi nghiệp năng động bậc nhất châu Á, với số công ty khởi nghiệp tăng gấp đôi sau Covid-19.

HSBC và KPMG vừa công bố báo cáo “Những người khổng lồ mới nổi ở châu Á – Thái Bình Dương 2022” hé lộ những kỳ lân tiềm năng và đánh giá tình hình khởi nghiệp của khu vực.

Theo đó, tại Việt Nam, hai đơn vị này xếp hạng 10 “người khổng lồ mới nổi” gồm Propzy, Sipher, Sendo, Jio Health, Clevai, CoolMate, EveHR, Lozi, VUI, HomeBase. Tổng giá trị của 10 doanh nghiệp là 0,3 tỷ USD, xếp cuối cùng trong 12 thị trường được nghiên cứu.

Tuy nhiên, thị trường non trẻ này lại được đánh giá là năng động bậc nhất châu Á. Dẫn lại thống kê của nền tảng Tracxn, báo cáo cho biết thời điểm đại dịch Covid-19 xuất hiện, Việt Nam chỉ có 1.600 doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng con số này giờ đây đã tăng lên hơn 3.000, trong đó có 4 “kỳ lân” là VNG, VNPay, Sky Mavis và MoMo.

Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (thuộc Bộ KH&ĐT) và quỹ đầu tư Do Ventures công bố cách đây không lâu cũng cho biết Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á (sau Singapore và Indonesia) về cả số lượng đầu tư và giá trị vốn đầu tư vào khởi nghiệp.

Tổng vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup tại Việt Nam trong năm 2021 đạt kỷ lục vượt 1,5 tỷ USD, bất chấp những khó khăn liên quan đến Covid-19.

hsbc viet nam la cai noi phat trien cua nhung ky lan tiem nang
Việt Nam đang là môi trường thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp. Ảnh: WSJ.

Động lực chính thúc đẩy nền kinh tế số của Việt Nam, theo HSBC và KPMG, là một nền dân số đông, trẻ, không ngại thử nghiệm và tiếp nhận sản phẩm tiêu dùng công nghệ mới, bên cạnh chính sách Nhà nước mang tính hỗ trợ và nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, mặc dù GDP bình quân trên đầu người còn tương đối thấp so với các nước khác trong khu vực, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ thị trường nào khác. Tăng trưởng được dự báo đạt 5,5% cho năm 2022 và 6,5% cho năm 2023, gần đạt tốc độ tăng trưởng như thời điểm trước Covid-19, theo ước tính của World Bank.

“Việt Nam nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp, gần theo kịp các quốc gia như Indonesia và Singapore. Với dân số trẻ, năng động và có trí thức, độ phủ mạng Internet và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao, cùng sự ủng hộ của Chính phủ, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn với cả nhà đầu tư lẫn công ty công nghệ, biến đất nước này trở thành cái nôi phát triển của những kỳ lân tiềm năng”, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhìn nhận.

Theo các chuyên gia tại đây, mảng kinh tế số của Việt Nam gần như được vận hành bởi khối tư nhân, còn Chính phủ tạo điều kiện hỗ trợ thông qua Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và Ban chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính. Ngoài việc đảm bảo hạ tầng viễn thông thuộc sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước và các công ty trong nước, chủ yếu là tư nhân, kiểm soát dịch vụ dữ liệu, Chính phủ cho phép các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam được tự do hoạch định lối đi riêng.

Tuy nhiên, theo ông Luke Treolar, Giám đốc Chiến lược tại KPMG Việt Nam, trong lĩnh vực này, Nhà nước thường can thiệp rất ít. Do đó, trong trung hạn, câu hỏi lớn là Việt Nam sẽ gia tăng mức độ giám sát của Nhà nước và thắt chặt quy định quản lý, hay sẽ duy trì định hướng cởi mở như hiện nay. Còn hiện tại, ông đánh giá trọng tâm chính của Chính phủ vẫn là sự tăng trưởng của nhóm ngành kinh tế mới này.

Xét chung toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nghiên cứu của HSBC và KPMG nhấn mạnh các công ty khởi nghiệp tại đây đang là động lực tăng trưởng của thế giới. Tổng số kỳ lân của khu vực trong năm 2021 tăng hơn 25% lên 450 doanh nghiệp. Mức đầu tư tư nhân cũng cũng đang tăng kỷ lục, chiếm 1/4 tổng số vốn đầu tư trên toàn thế giới và tương đương 67% năm 2020, gấp đôi năm 2018.

“Mặc dù năm 2022 ít khả năng duy trì được mức cao như năm 2021, số liệu quý I cho thấy mức độ đầu tư cho toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2022 có thể vượt qua cả năm 2020 lẫn 2019. Có thể thấy rõ điều đó ở những thị trường như Australia, Malaysia và Hàn Quốc nơi giá trị giao dịch quý I/2022 đã vượt hoặc gần vượt tổng giá trị cả năm 2020”, báo cáo nêu rõ.

Tuy nhiên, một trong những thách thức gây áp lực nhất cho các doanh nghiệp là đảm bảo nguồn nhân tài cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng, bởi nhu cầu đang tăng cao trong khi nhân lực lại phân bố không đồng đều tại các thị trường.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích