Thị trường BĐS: Sẽ sớm cân bằng trở lại
(TN&MT) – Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu không siết chặt tín dụng bất động sản (BĐS) một cách bất hợp lý, nhưng, phải tăng cường kiểm tra, giám sát; không buông lỏng quản lý Nhà nước.
Doanh nghiệp BĐS lo ngại siết tín dụng
Thị trường BĐS đang đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, liên quan mật thiết đến các ngành nghề kinh tế lớn như du lịch, tài chính, xây dựng… và có sức lan tỏa đến trên 30 ngành nghề. Trong 5 năm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại “siết” tín dụng BĐS theo đúng lộ trình đã đặt ra. Nguồn vốn tín dụng chảy vào BĐS đã bị thu hẹp dần. Tuy nhiên, thị trường nhà đất không hề giảm xuống mà có xu hướng tăng lên ở khắp các tỉnh thành. Thực tế, mặt bằng giá nhà đã xác lập nhiều kỷ lục mới về giá, với mức tăng trung bình 20 – 30%.
Điều này cho thấy, tín dụng chỉ tác động một phần đến thị trường bởi trong bối cảnh hiện nay, nguồn cung BĐS đang rơi vào tình trạng mất cân đối. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, số lượng dự án được phê duyệt mới và đủ thủ tục pháp lý để bán hàng chỉ vẻn vẹn có vài dự án trong năm. Do đó, các chuyên gia đều lo ngại, nếu tiếp tục siết tín dụng, doanh nghiệp BĐS sẽ khó có thể vay được vốn để triển khai dự án gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho biết, nếu kiểm soát chặt chẽ vốn vào BĐS, có thể doanh nghiệp sẽ phải dừng các hoạt động đầu tư, ảnh hưởng đến chủ đầu tư, lao động cũng như các ngành nghề liên quan.
Ngoài ra, khi một dự án được hình thành, các chủ đầu tư phải bỏ 50% vốn cho các thủ tục đầu tư, đóng thuế, chuẩn bị đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng… Giai đoạn hoàn thiện là 50% vốn còn lại, chủ đầu tư mới bắt đầu được huy động vốn. Các doanh nghiệp phải có nguồn vốn tự có từ 10 – 15%, sau đó mới là từ vay tín dụng, phát hành trái phiếu… và chỉ được huy động sau khi xong hạ tầng, nền móng. Như vậy, đây cũng là điểm khó cho doanh nghiệp. Một số dự án khi chưa nộp thuế thì chưa được cấp phép, như vậy khó mà chiếm dụng vốn hay nợ các tổ chức tín dụng.
“VNREA đã kiến nghị dừng siết chính sách tín dụng mà thay vào đó là kiểm soát tốt với những dự án có vấn đề hoặc tình trạng đầu cơ, mua gom đất, thổi giá… Còn với các dự án minh bạch, đáp ứng đủ tiêu chí thì nên thúc đẩy, khuyến khích” – ông Đính nhấn mạnh.
Đại diện doanh nghiệp BĐS MB Land cho rằng, doanh nghiệp BĐS phụ thuộc nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng. Đây là một trong những nhân tố thúc đẩy sự tăng trưởng thị trường BĐS. Việc nới lỏng hay siết tín dụng có tác động trực tiếp đến sự sống còn của doanh nghiệp.
“Việc hoàn thiện chính sách tín dụng đối với thị trường BĐS là nội dung quan trọng nhằm khơi thông dòng vốn, đảm bảo sự phát triển của thị trường theo hướng minh bạch, ổn định. Do vậy, ngân hàng không nên thực thi chính sách siết chặt nguồn vốn vào BĐS theo kiểu cào bằng, chung chung cho tất cả các dự án, mà cần phân loại dự án để có hướng quản lý phù hợp mà không gây tác động xấu tới thị trường” – Bà Lâm Thị Thúy – Chủ tịch HĐQT MB Land đề xuất.
Chính phủ tháo gỡ khó khăn
Phát biểu tại Hội nghị Phát triển thị trường BĐS vừa được tổ chức tại Hà Nội mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra các chỉ đạo rất cụ thể đối với từng bộ, ngành để hỗ trợ cho thị trường BĐS phát triển bền vững, lành mạnh.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững. Ngoài ra, không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng, phải tăng cường kiểm tra, giám sát; không buông lỏng quản lý Nhà nước.
Theo Thủ tướng, việc cần làm là nắm chắc tình hình và cung cầu để phát triển thị trường BĐS trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường, quy luật cạnh tranh và phát huy vai trò quản lý của Nhà nước với các công cụ chính sách để can thiệp, kiểm soát khi cần thiết một cách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không để tình trạng thao túng thị trường, găm hàng, đội giá.
Ngoài ra, rà soát các quy định của pháp luật để giải quyết các vấn đề vừa trước mắt, vừa lâu dài theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cấp; nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất thí điểm cơ chế chính sách tạo động lực, xung lực mới cho phát triển, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS, đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh; Ngân hàng Nhà nước theo dõi, kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng với lĩnh vực BĐS theo hướng đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường, chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay đối với lĩnh vực BĐS đảm bảo đúng quy định pháp luật, cho vay với các dự án BĐS đầy đủ tính pháp lý, ưu tiên cho vay đối với các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân đã được cấp phép và khởi công xây dựng để tạo nguồn cung cho thị trường.
Đồng thời, giao Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất, gồm pháp luật về đấu giá, pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý thuế nhằm bảo đảm thống nhất và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; Thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo đúng pháp luật.
Hiện nhu cầu đầu tư vào thị trường BĐS đang tăng mạnh, không chỉ tiêu dùng mà cả kinh doanh, giao dịch. Do đó, các giải pháp quyết liệt từ Chính phủ sẽ sớm giúp thị trường cân bằng trở lại.